gia tri12312slide3hoaslide6daoslide8sen
sologun

XUẤT KHẨU XI MĂNG GẶP “SÓNG”

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2015, lượng xi măng và clinker của Việt Nam xuất khẩu (XK) sang các thị trường đều giảm cả về lượng và giá trị.

 

Kim ngạch XK đang giảm

 

Sự thuận lợi trong XK clinker và xi măng của Việt Nam trong năm 2014, với tăng trưởng 13,4% về lượng và 16,2% về giá trị, không còn kéo dài sang những tháng đầu năm nay.

 

 Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2015 tổng lượng xi măng và clinker XK đạt 1.608.444 tấn, giảm 3% so với tháng 3; trị giá XK thu về đạt 67.642.818 USD, giảm 4,8% so với tháng 3/2015. Tính chung 4 tháng đầu năm 2015, lượng xi măng và clinker XK đạt 6.163.734 tấn, tương đương trị giá 265.552.676 USD; giảm cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2014, với tỷ lệ giảm tương ứng là 26,4% và 25,2%.

 

Nhận định về tình hình XK xi măng, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xi măng The Vissai (Ninh Bình), một trong những doanh nghiệp (DN) XK lớn trong ngành xi măng cho rằng, từ nay đến cuối năm XK xi măng và clinker Việt Nam phải đối mặt “sóng lớn”,

 

Nhiều khả năng kim ngạch sẽ sụt giảm hơn năm trước nhiều do Việt Nam bị cạnh tranh về giá. Hiện nay giá xi măng XK của Việt Nam đang cao hơn Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia…

 

Ông Nguyễn Anh Quân, Trưởng phòng Quản lý thị trường và chính sách bán hàng- Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) cũng thừa nhận, hiện ngành xi măng Việt Nam gặp rất nhiều thách thức, bởi nguồn cung trên thị trường quốc tế tăng mạnh. Ông Quân lấy dẫn chứng, năm 2015, sản lượng xi măng Nhật Bản sẽ tăng 0,3 - 0,5 triệu tấn, Trung Quốc tăng 2 - 3 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu clinker từ Việt Nam tại một số thị trường trên thế giới chưa có dấu hiệu tăng trưởng do các nguyên nhân khác nhau. “Do vậy, XK clinker 2015 khả năng giảm xuống 12-13 triệu tấn”- ông Quân nhận định.

 

Liên kết để tạo cạnh tranh

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, khi đã nói đến hiệu quả trong XK thì phải bảo đảm yếu tố mang tính bền vững trong tương lai chứ không phải chỉ đơn thuần là tính đến giá trị XK đã đạt được trong năm 2014 và những năm trước đó.

Đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhìn nhận, để XK xi măng khắc phục khó khăn cần giải quyết ngay câu chuyện XK phân tán, mạnh ai nấy làm, liên kết các DN thành đầu mối đủ mạnh, gia tăng tính cạnh tranh và lợi thế về giá cho xi măng XK. Hiện mới chỉ có Vicem, Vissai... công suất lớn, có lợi thế hơn cả khi đàm phán với các đối tác nhập khẩu. Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, chỉ khi các DN liên kết và thống nhất cách làm thì sẽ gia tăng sức mạnh, tạo điều kiện để ngành xi măng giảm áp lực về tồn kho.

 

Ông Trần Thanh Hải - Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)- nêu ý kiến để XK xi măng đạt hiệu quả, các DN cần quan tâm đến đổi mới công nghệ sản xuất tiết kiệm nhiên liệu, ít gây ô nhiễm môi trường. Cũng theo ông Hải, Việt Nam đã ký kết 8 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với một số nước và khu vực và đang quá trình đàm phán, tiến tới ký 7 FTA tiếp theo. Các FTA này đều nhằm mục đích mở cửa thị trường cho các sản phẩm của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các nước đối tác ký kết hiệp định thông qua việc giảm thuế hoặc thuế suất bằng 0% khi XK và các thị trường này. Do đó, các DN lưu ý khai thác XK xi măng sang các nước đã ký Hiệp định FTA với Việt Nam. Để hưởng lợi ích từ các hiệp định, các DN cần làm các thủ tục đăng ký cấp C/O ưu đãi tại các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực của Bộ Công Thương với 18 điểm cấp trên cả nước.

 

Việt Anh

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử