gia tri12312slide3hoaslide6daoslide8sen
sologun

Sừng tê giác bơm chất độc có thể tràn ngập tại Việt Nam

Tình trạng buôn lậu sừng tê giác đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, theo bà Teresa Telecky, Giám đốc Bộ phận Loài hoang dã, tổ chức Humane Society Internatinonal, rất có thể nhiều loại sừng tê giác được bơm thuốc độc từ Nam Phi đã được tuồn về và lưu hành tại Việt Nam.

Công chức Hải quan Nội Bài, kiểm tra hàng hóa nghi là ngà voi và sừng tê giác.

Buôn lậu ngày càng tăng

Phát biểu tại Hội nghị tập huấn Nâng cao nhận thức giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác do Cơ quan quản lý Cites Việt Nam (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) tổ chức sáng 19-6, tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Diệu Huyền, chuyên viên Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết: Sừng tê giác chủ yếu được vận chuyển qua đường hàng không, hầu hết có nguồn gốc từ Nam Phi, nơi sinh sống của 90% các loài tê giác.

Theo báo cáo của Cục Điều tra chống buôn lậu: Số vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép sừng tê giác có xu hướng tăng trở lại từ năm 2013 đến nay. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp bắt giữ 4 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép sừng tê giác.

Sừng tê giác thường được dấu trong hành lý của hành khách nhập cảnh; đ

ể qua mắt cán bộ Hải quan tại sân bay cũng như đội ngũ chó nghiệp vụ, các đối tượng buôn lậu thường dùng thủ đoạn cắt khúc, bôi tỏi lên toàn bộ khúc sừng, sau đó quấn giấy bạc, giấu trong các vật ngụy trang như bức tượng, lư hương…

“Có đối tượng tinh vi hơn dùng các vật liệu phản quang che giấu sừng tê giác để đối phó với máy soi của Hải quan, móc nối với một số đối tượng có nhiệm vụ trong sân bay để tuồn hàng ra ngoài”, bà Diệu Huyền nói.

 

 

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan): Thống kê từ năm 2008 đến 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện và bắt giữ 23 vụ vận chuyển trái phép sừng tê giác, số lượng trên 26 khúc, 10 chiếc sừng và hơn 139,97 kg sừng tê giác. Đặc biệt, năm 2012 lực lượng Hải quan đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 vụ, tịch thu trên 25 khúc sừng tê giác.

 

 

Theo bà Teresa Teleck, tại Nam Phi, với ý tưởng sừng tê giác có độc sẽ làm ngưởi sử dụng chùn bước, từ đó giảm thiểu tình trạng cắt trộm sừng tê giác, cơ quan chức năng đã sử dụng biện pháp bơm chất độc vào sừng tê giác.

Cơ quan chức năng sử dụng chất thường dùng để diệt ký sinh trùng bôi lên da động vật, giờ dùng bơm cao áp bơm trực tiếp vào sừng tê giác. Cấu trúc sừng tê giác bên trong không có mạch máu và đặc do đó chất độc bơm vào không ảnh hưởng đến sức khỏe của tê giác.

Cùng với đó, bên ngoài các khu bảo tồn đều được cắm biển cảnh báo sừng tê giác ở đây có chất độc. Tuy nhiên, sừng có bơm độc hay không, đối tượng săn trộm không quan tâm nên tình trạng săn bắt, cắt trộm sừng tê giác vẫn diễn ra.

“Tôi nghĩ ở Việt Nam hiện nay cũng đang lưu hành nhiều sản phẩm sừng tê giác đã bị tiêm độc. Việc quan trọng cần làm là truyền đạt rộng rãi hơn nữa thông điệp sừng tê giác không có tác dụng tăng cường sức khỏe đặc biệt hay trị bệnh nan giải cho con người. Sừng tê giác không phải thứ gì kỳ diệu”, bà Teresa Telecky nhấn mạnh.

Lập cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả

Trên thực tế, công tác đấu tranh với hoạt động buôn lậu sừng tê giác đã và đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo bà Diệu Huyền, điển hình là quy trình xử lý tang vật vi phạm và hành vi vi phạm của đối tượng vận chuyển hàng lậu đang gặp trở ngại lớn do những bất cập trong các quy định hiện hành.

Hiện nay, sừng tê giác là mặt hàng nghiêm cấm lưu thông trên thị trường vì mục đích thương mại nên trên thực tế không thể xác định được giá và hiện cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn việc định giá tang vật vi phạm là hàng cấm. Do đó, cơ quan Hải quan không có đủ căn cứ để khởi tố hình sự đối với hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép sừng tê giác. Qua điều tra xử lý, xác định các đối tượng vận chuyển sừng tê giác chủ yếu là người vận chuyển thuê, hầu như không biết về người gửi hàng; việc xác minh các đối tượng là chủ hàng hết sức khó khăn…

Để công tác đấu tranh với hoạt động buôn lậu sừng tê giác, Cục Điều tra chống buôn lậu kiến nghị cần thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả, trong đó có vai trò của các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội,… ở tất cả các khâu; đầu mối là Cơ quan Cites Việt Nam và các cơ quan bảo vệ động vật hoang dã thuộc các tổ chức quốc tế.

Theo bà Diệu Huyền, điều cần làm còn là xây dựng các đầu mối trao đổi thông tin thường xuyên về tội phạm trong lĩnh vực này ở các nước láng giềng và nước xuất xứ, tạo điều kiện hỗ trợ trong xác minh, điều tra.

Đồng thời, tăng cường sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa cơ quan Hải quan và cơ quan Công an trong việc bắt giữ, điều tra, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép sản phẩm động vật hoang dã…

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Hải Hưng, đại diện Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành hướng dẫn về việc với các tài sản quý hiếm như sừng tê giác thì định giá như thế nào để thuận lợi, đủ căn cứ cho việc khởi tố hình sự và xử lý đối tượng buôn bán sai phạm.

“Hiện tại, việc định giá sừng tê giác phức tạp thì có thể nghiên cứu căn cứ theo số lượng như cái sừng hay số kg sừng ở mức bao nhiêu thì có thể xem xét truy tố trách nhiệm hình sự…”, ông Hưng đề xuất.

Nguồn: Haiquanonline