gia tri12312slide3hoaslide6daoslide8sen
sologun

Nhiều container bỏ quên 10 năm ở cảng Hải Phòng

 

 

Hàng ngàn container hàng hóa tồn đọng được xác định là phế liệu, rác thải “thi gan” tại các cảng Hải Phòng, việc xử lý các container “bỏ quên” này vẫn trong vòng luẩn quẩn, chưa có câu trả lời.

Hàng nghìn container thi gan tại cảng

Theo báo cáo của Cục Hải quan TP Hải Phòng, trong số 5.060 container bị “bỏ quên”, có đến 4.370 container tồn đọng từ trước ngày 1/1/2013. Đa số container trên chủ yếu thuộc các nhóm hàng sau: Máy móc, thiết bị tàu biển đứng tên người nhận hàng là các doanh nghiệp thuộc Vinashin, Vinalines có 183 container; cao su, lốp ô tô đã qua sử dụng có 2.796 container; quần áo đã qua sử dụng, phế liệu nhựa, giấy, kim loại, các mặt hàng điện tử đã qua sử dụng có 2.081 container. Cảng Chùa Vẽ (một cảng lớn thuộc cảng Hải Phòng) từ lâu tồn tại hai khu vực chuyên lưu giữ những container tồn đọng quá 90 ngày. Còn tại Cảng Đình Vũ, cảng container lớn nhất Hải Phòng và khu vực phía bắc, tình trạng tồn đọng container đã gây áp lực lớn lên hoạt động bình thường của cảng này, số container tồn đọng lâu ngày chiếm tới 15% tổng hàng lưu bãi tại cảng, chi phí thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Với các container bị bỏ lại ở cảng Hải Phòng, tên người nhận hàng thể hiện trên chứng từ vận tải chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất từ năm 2009 đến năm 2014, trong đó cao điểm số container tồn đọng nhiều nhất rơi vào cuối năm 2011 tới giữa năm 2012. Số hàng này chủ yếu được tạm nhập về cảng Hải Phòng để tái xuất điTrung Quốc. Số container còn tồn đọng tại cảng nói trên vì một trong các lý do như: người đứng tên mua từ chối nhận hàng do chưa ký hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hàng hóa không đúng chủng loại như đã cam kết; người gửi hàng không ghi rõ địa chỉ người nhận hoặc không thanh toán tiền vận chuyển cho chủ hàng…

Gian nan bài toán xử lý…

Ước tính chi phí phải trả cho đơn vị vận tải và kinh doanh kho bãi của nhiều lô hàng đã gấp hàng vài chục lần so với giá trị thực tế của lô hàng. Đơn cử như một số lô hàng cao su phế liệu hoặc lốp xe đã qua sử dụng, các khoản chi phí gần 10 năm lưu kho bãi đã lên tới gần 300 triệu đồng/container, trong khi đó giá trị loại hàng hóa này chỉ từ 10-20 triệu đồng/container. Cực chẳng đã, đại diện một số hãng tàu đã chấp nhận miễn phí lưu container, thậm chí là một phần kinh phí tiêu hủy để giải phóng container, cảng miễn phí lưu kho bãi. Song, sau hơn 2 năm, qua nhiều cuộc họp nhưng tình trạng này vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.

Được biết, để giải quyết số hàng hoá tồn đọng, giải phóng mặt bằng cho các cảng, Cục đã có đề xuất đối với một số hàng hóa đã có hướng dẫn của Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định. Còn với các lô hàng có người nhận ở Việt Nam nhưng không xuất trình được giấy phép do Bộ Công Thương cấp sẽ phạt tiền và buộc đưa hàng hóa ra khỏi Việt Nam. Trong trường hợp quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính, doanh nghiệp không thực hiện thì tịch thu hoặc tiêu hủy hàng hóa theo quy định.

Đại diện Cảng vụ Hải phòng cho biết: Cảng vụ đã đề nghị UBND TP Hải Phòng xử lý tình trạng container tồn đọng nhiều năm nay, và năm 2014 thành phố Hải Phòng cũng đã thành lập tổ xử container tồn đọng. Tuy nhiên, vừa qua cũng chỉ xử lý được hơn 100 container tồn đọng, chủ yếu là lốp ô tô" còn lại các cơ quan chức năng còn lung túng chưa biết phải xử lý ra sao?.

Tuy nhiên, việc xử lý hàng nghìn container tồn đọng là bài toán chưa có lời giải bởi đa số container trên phần lớn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, là phế liệu, giá trị thấp, thời gian tồn lưu quá lâu khiến chi phí lưu kho bãi lớn hơn nhiều giá trị lô hàng. Vì thế, ngoài số hàng hóa của các doanh nghiệp thuộc Vinashin, Vinalines “quên” ở các cảng, đa số là do chủ hàng cố tình “bỏ của chạy lấy người” và phần lớn là hàng tạm nhập - tái xuất.

Theo An Ninh Thủ Đô.