gia tri12312slide3hoaslide6daoslide8sen
sologun

Quan hệ hợp tác Việt Nam – Venezuela: Doanh nghiệp đóng vai trò trụ cột

 

 

Đây là khẳng định của Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong buổi gặp gỡ giữa Ngài Nicolás Maduro – Tổng thống Venezuela và đại diện doanh nghiệp Việt Nam, vừa diễn ra chiều 31/8 tại Trụ sở VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.

Chương trình do VCCI phối hợp với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Venezuela tại Việt Nam tổ chức với sự tham dự của Ngài Nicolás Maduro – Tổng thống nước Cộng hòa Bolivar Venezuela; Ông Hoàng Trung Hải – Phó Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Ông Đào Việt Trung – Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ; Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cùng đại diện các bộ, ban ngành, doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Venezuela.

Hạn chế về quy mô thương mại đầu tư

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết, năm 2006, VCCI và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã được tiếp kiến và lắng nghe phát biểu của Tổng thống Hugo Chaves về tình hữu nghị giữa Việt Nam và Venezuela, cùng những nỗ lực và thành tựu của hai nước trong quá trình xây dựng và đổi mới đất nước.

Việt Nam và Venezuela đã có mối quan hệ hữu nghị ngoại giao gắn bó lâu dài. Năm 2014, Việt Nam và Venezuela đã kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong đó ghi nhận những dấu mốc lịch sử và thành tựu to lớn trong quan hệ của hai nước suốt hơn hai thập kỷ qua.

Trong những năm qua, Việt Nam và Venezuela đã trao đổi nhiều đoàn đại biểu cấp cao, ký kết các văn kiện hợp tác cấp Chính phủ, cấp Bộ/ngành về nhiều lĩnh vực như ngoại giao, năng lượng – dầu khí, nông nghiệp, du lịch, văn hóa, thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo… Về quan hệ kinh tế thương mại, hai bên đều có tiềm năng lớn nhất là về năng lượng, dầu khí, nông nghiệp, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng (thiết bị điện tử, điện tử, may mặc, giày dép), y tế, khoa học công nghệ. Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam và công cuộc tái năng động hóa nền kinh tế của Venezuela có nhiều điểm tương đồng và hỗ trợ cho nhau. Đó là những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước trong tương lai.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc khẳng định: “Trong quan hệ hai nước thì quan hệ hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp giữ một vai trò rất quan trọng, thậm chí đóng vai trò trụ cột. Trong thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp hai bên đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo hai nhà nước và bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng đã có những nỗ lực đáng ghi nhận. VCCI đã thành lập Hội đồng doanh nghiệp hỗn hợp Việt Nam – Châu mỹ La tinh trong đó Venezuela là thị trường trọng điểm của chúng tôi. Chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động để hỗ trợ cung cấp thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp cả hai nước trong việc tư vấn, tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư…”.

Cũng theo người đứng đầu VCCI, mặc dù có sự hợp tác song phương bền vững, song quy mô thương mại đầu tư giữa hai bên vẫn còn hạn chế, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước mới đạt khoảng 60 triệu USD – đó là con số quá nhỏ nhoi so với tiềm năng của hai bên. “Hy vọng chuyến thăm của Ngài Tổng thống sẽ thúc đẩy được các hoạt động đầu tư và có thể xây dựng quan hệ hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp Venezuela tương xứng với tầm cao của các mối quan hệ chính trị, ngoại giao, quan hệ hữu nghị giữa hai bên”. – Chủ tịch VCCI nói.

Tạo cầu nối cho doanh nghiệp hai nước

Tại buổi gặp gỡ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, trải qua hơn 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Venezuela đã không ngừng được củng cố và phát triển. Song song với các thành tựu chính trị, ngoại giao, văn hóa; quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước cũng đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tuy còn ở mức khiên tốn nhưng đã tăng trưởng khá và liên tục từ 20,14 triệu USD năm 2010 lên 62,68 triệu USD năm 2014, tức là tăng hơn 3 lần. Bên cạnh trao đổi thương mại, hai nước còn có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, dầu khí, nông nghiệp, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, y tế, khoa học – công nghệ và đặc biệt là trong nông nghiệp.

Phó Thủ tướng cho rằng: “Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới tác động nặng nề đến các quốc gia và trao đổi hàng hóa thương mại và hợp tác kinh tế giữa hai nước vẫn còn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của hai nước, Chính phủ và nhất là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Venezuela cần cố gắng và tiếp xúc với nhau nhiều hơn nữa nhằm tìm ra những cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư giữa hai nước. Tôi hết sức vui mừng thấy được sự hiện diện của đại diện nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Venezuela trong cuộc gặp gỡ ngày hôm nay. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường Venezuela và ngược lại”.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định: “Doanh nghiệp có một vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế, là nhân tố chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm quốc nội (GDP), không chỉ quyết định sự phát triển bền vững về mặt kinh tế mà còn quyết định đến sự ổn định về xã hội. Doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Venezuela sẽ là cầu nối để đưa quan hệ hai nước đi vào thực chất có chiều sâu, đóng góp cho tăng trưởng về xuất nhập khẩu GDP của hai nước”.

Với vai trò to lớn như vậy, Phó Thủ tướng hy vọng các doanh nghiệp hai bên sẽ tích cực, chủ động để nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu và khả năng hợp tác, đồng thời tận dụng triệt để các chương trình xúc tiến thương mại của hai nước phát triển hơn nữa giữa doanh nghiệp của mình cũng như thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Venezuela.

Hướng tới mục tiêu 1 tỷ USD

Đáp lời Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Ngài Nicolás Maduro – Tổng thống Venezuela cho biết, hai nước Việt Nam và Venezuela đang bước vào một giai đoạn mới rộng hơn, nhanh hơn trong quá trình hợp tác.

Ngài Nicolás Maduro cho biết, sáng nay (31/8), đoàn công tác Venezuela đã có buổi họp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Tại buổi họp này, đoàn đã rà soát lại những công việc được trao đổi và đi đến những quyết định rất quan trọng để có thể biến những ý tưởng của mình thành điểm sáng trong mối quan hệ giữa hai nước. Qua đó, Venezuela đã tiến tới quyết định hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí, nông nghiệp và công nông nghiệp.

Tổng thống Venezuela quyết định tăng cường mối quan hệ thương mại tại Việt Nam bởi Việt Nam đã đạt được trình độ cao trong sản xuất hàng hóa. Ông khẳng định sẽ tiến hành một cách nhanh nhất để có thể đạt được thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Venezuela, nhằm đưa cán cân thương mại hai nước lên 1 tỷ USD trong những năm tới.

Venezuela là một thị trường lớn, ổn định và bền vững. Chính quyền và người dân Venezuela đang nỗ lực hết sức để đưa đất nước ngày càng phát triển. Với các dự án đã, đang và sắp hợp tác tại Việt Nam, người đứng đầu đất nước này kỳ vọng sẽ tạo được sức bật mới cho cả hai nước.

Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng

Những năm qua, mặc dù chịu nhiều tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, cụ thể, năm 2014 đạt 5,98%. Việt Nam vẫn luôn được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng nhờ ổn định về chính trị xã hội, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, nguồn lao động dồi dào, trẻ, cần cù, sáng tạo với chi phí thấp, thị trường tiêu thụ trên 90 triệu dân và đặc biệt là sự kết nối chặt chẽ của thị trường Việt Nam với thị trường hơn 600 triệu dân của ASEAN. Để tận dụng những thế mạnh vốn có, phát triển hơn nữa nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm và then chốt như xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hệ thống pháp luật, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng và minh bạch cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh và đầu tư.

Trong lĩnh vực hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế, Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Sau khi gia nhập Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), cùng với ASEAN, Việt Nam đã tham gia đàm phán và thiết lập các khu vực thương mại tự do giữa ASEAN với nhiều đối tác kinh tế lớn trong khu vực và trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ấn Độ. Hiện nay, Việt Nam đang tham gia tích cực vào nỗ lực chung của ASEAn để hoàn thành việc xây dựng Cồng đồng kinh tế ASEAN vào năm nay với mong muốn thiết lập một thị trường chung. Tiếp theo việc trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới năm 2007, Việt Nam đã ký kết một số hiệp định thương mại tự do song phương như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện với Nhật Bản và Hiệp định thương mại tự do với Chi Lê, Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á – Âu. Việt Nam vừa kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do với Liên minh và đang đi tới kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước, trong đó có Hoa Kỳ. Ngoài ra, Việt Nam còn đang đàm phán hiệp định thương mại tự do với Khối Thương mại tự do Châu Âu gồm 4 nước là Thụy Sĩ, Iceland, Nauy, Liechtenstein).

Việc ký kết các hiệp định đối tác kinh tế và thương mai tự do với nhiều nước và khu vực chắc chắn sẽ tạo ra những cơ hội to lớn để tăng cường trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và thế giới, góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế của Việt Nam.

Theo BÁO DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP