|
|
Singapore, hải cảng nhộn nhịp thứ hai trên thế giới, đang theo đuổi một mô hình kinh doanh mới vượt ra ngoài những cầu tàu: đó là xuất khẩu chính mình. Trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra hối hả khắp châu Á và thế giới, quốc đảo Đông Nam Á này đang thúc đẩy một vai trò mới cho chính mình bằng việc "nhân bản" các kỹ năng và mô hình của riêng họ, từ việc dạy toán và xử lý nước tới phát triển sân bay và xây dựng toàn bộ thành phố. "Rất nhiều thành phố trong khu vực đang nhìn sang Singapore để tìm kiếm những kinh nghiệm tiềm tàng mà họ có thể học hỏi", Malone-Lee Lai Choo, Giám đốc Trung tâm các thành phố châu Á bền vững thuộc Đại học Quốc gia Singapore nói. Theo bà Choo, sự quan tâm tới Singapore rất đa dạng, từ kỹ thuật xử lý nước thải cho tới quy hoạch đô thị. Các quan chức Myanmar thậm chí còn muốn nhập khẩu mô hình vườn trên mái của Singapore để áp dụng cho các đường phố vắng bóng cây xanh ở Yangon. Steve Leonard, đứng đầu nỗ lực của chính phủ Singapore trở thành quốc gia số tiên phong trên thế giới, chỉ ra sự giống nhau của những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt, từ những đường phố nghẽn tắc cho tới các bệnh viện không có đủ giường cho bệnh nhân. Theo ông, kỹ thuật tinh lọc nước của Singapore đã được nhiều nơi trên thế giới áp dụng. "Đó là cái chúng tôi cần nhưng nhiều nước khác cũng phải đối mặt với vấn đề đó. Và bây giờ chúng tôi đang làm điều tương tự với kỹ thuật liên quan y tế". Singapore cũng là bậc thầy về tiếp thị kỹ thuật hàng không. Ngành công nghiệp hàng không của quốc đảo này bắt đầu chỉ từ một căn cứ không quân năm 1929 nhưng đến năm ngoái đã có 54 triệu lượt khách qua lại sân bay tráng lệ Changi. Thành công dồi dào, nhà điều hành sân bay này đã lập ra một chi nhánh tư vấn và đầu tư. Tập đoàn Sân bay Changi hiện đang thực hiện 40 dự án liên quan đến hàng không ở 20 quốc gia, từ Maldives cho tới Uganda. Các thành phố theo sau Singapore cho đến nay đã minh chứng những trải nghiệm hạnh phúc hơn. Thành phố sinh thái Tianjin, do hai chính phủ Trung Quốc và Singapore cùng quản lý, đã chú trọng vào giao thông, xây dựng và nguồn nước "xanh". Nhưng trong một bài phát biểu năm ngoái, Bộ trưởng phát triển quốc gia Singapore Khaw Boon Wan, đã đi xa hơn khi đề cập tới "trái tim xanh". Điều này, ông giải thích, có nghĩa là "nhận thức sinh thái của cư dân thành phố sinh thái: họ có xanh từ trái tim hay không, họ có tích cực tái chế hay không, họ có năng bảo vệ môi trường hay không? Nói tóm lại, họ có phải là những người đi đầu về sống xanh hay không?" Với Tiến sĩ Malone-Lee, có rất nhiều ngành nghề mà Singapore có thể chuyển giao công nghệ và kỹ năng, từ hoạch định chính sách, tư vấn xử lý nước thải cho tới kiến trúc và thiết kế cảnh quan. Những "sản phẩm phụ" từ các bộ ngành chính phủ giờ đây đang trở thành những thương vụ quốc tế có lãi. Gần đây, Singapore đã xuất khẩu sang Anh kỹ năng đáng ngưỡng mộ nhất của họ - đó là hệ thống giáo dục chất lượng cao khiến học sinh "quốc đảo Sư tử" luôn đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu về toán. Đây là sáng kiến tầm chính phủ và kết quả là môn toán của học sinh Anh đã cải thiện rõ rệt chỉ sau một năm. Theo Báo Tin tức - TTXVN |