Theo số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, trong 7 tháng/2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt hơn 187,06 tỷ USD, tăng12,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhập khẩu đạt 95,29 tỷ USD, tăng 16%. Những nhóm hàng nhập khẩu chính, gồm:
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 7 là 2,49 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng trước, nâng trị giá nhập khẩu trong 7 tháng/2015 lên gần 16,4 tỷ USD, tăng mạnh 33,8% so với 7 tháng/2014. Khối doanh nghiệp FDI nhập khẩu 10,5 tỷ USD, tăng 44,4% trong khi khối doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 5,88 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2014.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 7 tháng qua với trị giá là 5,29 tỷ USD, tăng 25,6%; tiếp theo là các thị trường: Hàn Quốc 3,12 tỷ USD, tăng mạnh 81%; Nhật Bản 2,89 tỷ USD, tăng 45,2%; Đài Loan 886 triệu USD, tăng 17,6%…
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 7 là 1,96 tỷ USD, tăng 9% so với tháng trước. Tính trong 7 tháng/2015, cả nước nhập khẩu 13,14 tỷ USD, tăng 35%; trong đó nhập khẩu của khu vực FDI là 12,1 tỷ USD, tăng 36,5% và nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước là hơn 1 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước.
Hàn Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam với trị giá nhập khẩu là 3,89 tỷ USD, tăng 38,9%; tiếp theo là các thị trường: Trung Quốc 2,82 tỷ USD, tăng 17,2%; Nhật Bản 1,29 tỷ USD, tăng 51,1%; Singapore: 1,21 tỷ USD, giảm 6,6%; Đài Loan 1,16 tỷ USD, tăng mạnh 72,1%... so với cùng kỳ năm 2014.
Điện thoại các loại và linh kiện: kim ngạch nhập khẩu trong tháng đạt gần 861 triệu USD, đưa kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trong 7 tháng/2015 lên 5,22 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kì năm 2014.
Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này trong 7 tháng đầu năm chủ yếu từ các thị trường: Trung Quốc đạt 3,35 tỷ USD, tăng18,2% và chiếm 64,18% kim ngạch nhập khẩu của cả nước; Hàn Quốc đạt gần 1,48 tỷ USD, tăng 57,6%…so với cùng kì năm 2014.
Sắt thép các loại: Nhập khẩu sắt thép trong tháng 7 là 1,72 triệu tấn, trị giá là 793 triệu USD, tăng 4,8% về lượng và giảm 7,2% về trị giá so với tháng trước.
Tính đến hết tháng 7-2015, lượng sắt thép cả nước nhập về là 8,43 triệu tấn, tăng 40,3% về lượng. Đơn giá nhập khẩu sắt thép các loại bình quân trong 7 tháng đầu năm 2015 giảm 21,3% nên trị giá nhập khẩu là 4,47 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Sản phẩm từ sắt thép: Trong tháng 7-2015, cả nước nhập khẩu hơn 347 triệu USD, tăng 5,7% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 7-2015, tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước là 2,41 tỷ USD, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong 7 tháng/2015, Việt Nam nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc với trị giá hơn 846 triệu USD, tăng 65,4%; từ Hàn Quốc là 701 triệu USD tăng 92,6 so với cùng kỳ năm trước,…
Xăng dầu các loại: Lượng nhập khẩu xăng dầu các loại tăng 17% so với tháng trước đạt 905 nghìn tấnnhưng trị giá nhập khẩu là 491 triệu USD, chỉ tăng 6,9% so với tháng trước. Tính đến hết 7 tháng/2015, cả nước nhập khẩu 5,93 triệu tấn với trị giá là 3,42 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và giảm 34% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 7 tháng qua chủ yếu có xuất xứ từ: Singapore với 2,64 triệu tấn, tăng 37,2%; Thái Lan 978 nghìn tấn, tăng mạnh 276%; Trung Quốc 914 nghìn tấn, giảm 5,3%; Đài Loan 656 nghìn tấn, giảm 23%... so với 7 tháng/2014.
Chất dẻo nguyên liệu: Lượng nhập khẩu trong tháng 7-2015 là 328 nghìn tấn, trị giá đạt gần 532 triệu USD. Tính đến hết tháng 7-2015, tổng lượng nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu của Việt Nam là 2,13 triệu tấn, tăng 9,6%, kim ngạch nhập khẩu là 3,35 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong nửa đầu năm 2015, Việt Nam nhập khẩu mặt hàng này chủ yếu từ các thị trường: Hàn Quốc đạt 359 nghìn tấn,tăng 18,4%; Ả rập Xê út đạt 372 nghìn tấn, giảm nhẹ 0,8%; Đài Loan đạt 270 nghìn tấn tăng 13,6%; Thái Lan đạt 168nghìn tấn, tăng 6,2%… so với cùng kỳ năm 2014.
Sản phẩm chất dẻo: Trong tháng 7-2015 sản phẩm từ chất dẻo nhập khẩu ở mức 349 triệu USD. Nhập khẩu mặt hàng này trong 7 tháng đầu năm đạt 2,11 tỷ USD tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam nhập khẩu mặt hàng sản phẩm chất dẻo từ Hàn Quốc trong 7 tháng năm 2015 là 620 triệu USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2014; Trung Quốc là 615 triệu USD, tăng 34,6%; Nhật Bản là 354 triệu USD tăng 3,2%,…
Nguyên phụ liệu ngành dệt may da giày: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng là 1,65 tỷ USD, giảm 14,7% so với tháng trước. Tính đến hết 7 tháng/2015, cả nước nhập khẩu 9,1 tỷ USD nhóm hàng này, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, trị giá vải nhập khẩu là 4,98 tỷ USD, tăng 8,9%; nguyên phụ liệu 2,5 tỷ USD, tăng 10,3%; bông là 856 triệu USD, tăng 8,1% và xơ sợi 758 triệu USD, tăng nhẹ 0,3%.
Trong 7 tháng/2015, Việt Nam nhập khẩu nhóm mặt hàng này chủ yếu từ Trung Quốc với 3,7 tỷ USD, tăng 13,5%; tiếp theo là Hàn Quốc 1,37 tỷ USD, giảm 2,5%; Đài Loan 1,19 tỷ USD, tăng 6,6%… so với cùng kỳ năm trước.
Ô tô nguyên chiếc: Lượng nhập khẩu trong tháng 7-2015 là 9,5 nghìn chiếc, giảm 1,8%. Đơn giá nhập khẩu bình quân ô tô nguyên chiếc các loại giảm mạnh 30,9% nên trị giá nhập khẩu là 208 triệu USD, giảm 32,1%.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 7-2015, lượng xe ô tô nguyên chiếc cả nước nhập về là 64,42 nghìn chiếc, tăng mạnh 104,7%, trị giá là 1,71 tỷ USD, tăng mạnh 152,3% so với cùng kỳ năm 2014.
Trung Quốc là thị trường chính cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam trong 7 tháng/2015 với hơn 18 nghìn chiếc,tăng mạnh 204%; tiếp theo là Hàn Quốc 14,2 nghìn chiếc, tăng 54,3%; Thái Lan 12,1 nghìn chiếc, tăng 99,2%; Ấn Độ 8,5 nghìn chiếc, tăng 77,5% ... so với cùng kỳ năm 2014.
Phân bón các loại: Lượng nhập khẩu phân bón trong 4 tháng trở lại đây luôn ở mức cao (bình quân là 415 nghìn tấn/tháng), cao hơn mức bình quân của năm 2014 (316 nghìn tấn/tháng). Tính trong tháng 7-2015, lượng phân bón nhập khẩu là 466 nghìn tấn, trị giá là 140 triệu USD, tăng 7,7% về lượng và giảm 3,7% về trị giá so với tháng trước.
Tính hết 7 tháng/2015, tổng lượng phân bón các loại nhập khẩu vào Việt Nam lên đến 2,53 triệu tấn, trị giá là 795 triệu USD, tăng 16,8% về lượng và tăng 16,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp phân bón cho Việt Nam trong 7 tháng/2015 với 1,26 triệu tấn, tăng14,7%; tiếp theo là Nga 267 nghìn tấn, tăng 14,9%; Belarus 182 nghìn tấn, tăng 27,6%… so với cùng kỳ năm 2014.
Nguồn: Báo hải quan