gia tri12312slide3hoaslide6daoslide8sen
sologun

Cảng Quy Nhơn quá tải, tàu trọng tải lớn thường xuyên bị ùn tắc

Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn tuy đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao năng lực nhưng vẫn không thể đáp ứng được so với tốc độ tăng trưởng của sản lượng hàng hóa thông qua cảng. 

Thường xuyên trong tình trạng quá tải 

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn, ông Nguyễn Quý Hà cho biết từ đầu năm 2015 đến nay, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Quy Nhơn tăng mạnh tới hơn 15% so với cùng kỳ. 

Tổng sản lượng hàng hóa qua cảng đạt gần 4,5 triệu tấn. Trong số đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu gần 3 triệu tấn; nhập khẩu đạt con số gần 700.000 tấn và hàng xuất nhập nội địa là 878.000 tấn.

Năng suất khai thác mỗi mét cầu cảng lên tới 8.500 tấn hàng hóa/năm, là con số rất cao so với cảng tổng hợp. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 36 tỷ đồng trong khi cả năm 2014, lợi nhuận là 44,5 tỷ đồng. 

Trong ba tháng gần đây, Cảng Quy Nhơn liên tục xảy ra tình trạng ùn tắc tàu trọng tải lớn 30.000-50.000 tấn. Các cầu tàu, bến cảng làm việc liên tục, hết công suất nhưng vẫn luôn trong tình trạng quá tải.

Sau nhiều ngày chờ đợi, tàu HW Harvest phải mất 7 ngày để hoàn tấp xếp 30.000 tấn dăm gỗ lên tàu. (Ảnh: Hoàng Kha/TTXVN)


Đáng chú ý, tổng lượng tàu ra vào cảng từ đầu năm đến nay chỉ bằng 90% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, lượng tàu trọng tải lớn tăng cao hơn nhiều so với các năm trước. Vì vậy, sản lượng hàng hóa xếp dỡ, thông quan qua cảng tăng mạnh. Theo quy hoạch và thiết kế, năng lực của Cảng Quy Nhơn vào thời điểm này là 3,3 triệu tấn/năm. 

Cảng Quy Nhơn là cảng dịch vụ tổng hợp; sản lượng hàng hóa qua cảng phần lớn vẫn là hàng rời, hàng xuất khẩu chủ yếu là sắn lát và dăm gỗ; hàng nhập khẩu thường là gỗ tròn, nguyên liệu thức ăn gia súc, phân bón...

Theo ông Nguyễn Quý Hà, lượng nguyên liệu thức ăn gia súc về Bình Định gần đây tăng mạnh bởi Bình Định hiện là một trong những trung tâm chế biến thức ăn gia súc của cả nước. Trong khi đó, năng lực hiện tại của Cảng Quy Nhơn vừa yếu lại vừa thiếu. 

Cảng hiện khai thác 5 cầu tàu, trong đó, 4 cầu tàu của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn và một cầu tàu thuộc Công ty cổ phần Tân Cảng Quy Nhơn; diện tích bãi 20ha. Tải trọng cầu tàu lớn nhất theo thiết kế dành cho tàu 30.000 tấn, công ty đã phải gia cố, thực hiện các giải pháp để tiếp nhận tàu 50.000 tấn. 

Do các trang thiết bị trên bờ của cảng thiếu thốn, nhiều tàu đến Cảng Quy Nhơn đã phải đợi đến 12 ngày mới rời cảng. 

Ông Đàm Hữu Hạnh thuộc Văn phòng đại diện Công ty cổ phần vật tư nông sản tại Quy Nhơn cho hay công ty của ông chuyên nhập phân bón qua Cảng Quy Nhơn nhưng hàng hóa không được xếp dỡ nhanh theo nhu cầu đơn vị do cảng thiếu cầu cảng và trang thiết bị xếp dỡ khác.

Doanh nghiệp của ông Hạnh cũng như nhiều đơn vị khác rất mong muốn Cảng Quy Nhơn được nâng cấp.

Tăng năng lực Cảng Quy Nhơn lên gấp 5 lần 

Tỉnh Bình Định hiện đã triển khai xây dựng, mở rộng hàng loạt các tuyến đường dẫn vào Cảng Quy Nhơn để góp phần đáp ứng tốc độ tăng trưởng hàng hóa từ các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ xuất nhập khẩu qua Cảng Quy Nhơn. 

Tuy nhiên, Cảng Quy Nhơn trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và đang trong quá trình chuyển đổi, chuẩn bị thoái toàn bộ 49% vốn nhà nước hiện nay tại công ty, do vậy, việc đầu tư nâng cấp, nâng năng lực cảng bị chậm thực hiện. 

Theo ông Nguyễn Quý Hà, các quy hoạch phát triển Cảng Quy Nhơn đến năm 2030 đều đã được phê duyệt, Cục Hàng hải và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đang cập nhật bổ sung Cảng Quy Nhơn vào cụm cảng khu vực Nam Trung Bộ trình Bộ Giao thông Vận tải sớm cập nhật quy hoạch Cảng Quy Nhơn vào quy hoạch chung cảng biển cả nước.

Theo quy hoạch, vào năm 2020 Cảng Quy Nhơn phải đưa vào sử dụng ít nhất thêm hai bến mới cho tàu trọng tải 50.000 tấn; trong đó đặc biệt chú trọng cầu cảng chuyên dùng cho tàu container.

Đến năm 2030, Cảng Quy Nhơn phải được hoàn thành đầu tư toàn bộ dự án với 900m cầu cảng, thêm 4 bến mới và 17ha bãi. Tổng vốn đầu tư toàn bộ dự án này khoảng 3.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhu cầu nâng cấp hệ thống bến, cầu cảng, nâng cao năng lực xếp dỡ, trang thiết bị trên bờ hiện rất bức thiết. 

Theo tính toán của các nhà chuyên môn, nếu không có các yếu tố đột biến, để đáp ứng cho mức tăng trưởng 1% GDP thì sản lượng hàng hóa qua cảng biển tại địa phương phải đạt mức tăng trưởng 1,2-1,3%. Dự kiến đến năm 2020, Cảng Quy Nhơn có sản lượng hàng hóa qua cảng khoảng 15 triệu tấn/năm. 

Tuy nhiên, để tăng năng lực cảng từ 3,3 triệu tấn/năm hiện nay lên 15 triệu tấn/năm trong vòng 5 năm tới cũng không dễ thực hiện. Những con số và lý thuyết trên nhiều khả năng bị phá vỡ nếu Bình Định bắt đầu thực hiện các dự án kinh tế quy mô lớn, đặc biệt là Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội./.

Theo baomoi.com