|
|
Trong 6 tháng đầu năm 2015, lượng hàng thông qua các cảng được tư nhân thuê lại của nhà nước như ODA Cái Mép và An Thới dù tăng hơn so với cùng kỳ năm trước cũng chỉ đạt khoảng 10% so với công suất thiết kế. Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2015, lượng hàng hóa thông qua cảng quốc tế ODA Cái Mép tại Bà Rịa -Vũng Tàu đạt 47.240 container tiêu chuẩn (TEUs) và 80.000 tấn hàng tổng hợp, doanh thu đạt trên 41 tỉ đồng. Lượng hàng thông qua cảng mới chỉ đạt khoảng 10% so với công suất thiết kế. Còn cảng An Thới (Phú Quốc), lượng hàng hóa thông qua đạt 26.488 tấn, tương đương 8% công suất thiết kế, doanh thu đạt 636 triệu đồng. Trong số ba cảng được cho thuê năm 2014, chỉ có cảng tổng hợp Thị Vải (Bà Rịa- Vũng Tàu) đạt hiệu quả cao hơn, với lượng hàng hóa thông qua là 948.000 tấn, đạt khoảng 50% so với công suất thiết kế, và doanh thu trên 38 tỉ đồng. Tuy nhiên, doanh thu của cả ba cảng đều thấp hơn rất nhiều so với giá cho thuê bình quân hàng năm. Theo các doanh nghiệp thuê cảng, trong 6 tháng đầu năm 2015 lượng hàng qua cảng quốc tế ODA Cái Mép và cảng tổng hợp ODA Thị Vải đã tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm trước nhưng tình hình khai thác của các cảng cho thuê vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do tình hình kinh tế trong nước và khu vực chưa hồi phục; giá dịch vụ giảm sâu do cạnh tranh không lành mạnh trong khi các chi phí lại tăng cao; hệ thống giao thông kết nối chưa đồng bộ, không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, nhiều chỗ còn ngập nước, sụt lún... Các đơn vị đang thuê cảng kiến nghị cần ban hành quy định giá sàn dịch vụ trong khu vực để tránh cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời cần thường xuyên duy tu, nạo vét các tuyến luồng hàng hải đảm bảo cho các tàu lớn cập cảng. Trước đó, hồi tháng 3-2014, Bộ Giao thông Vận tải đã cho thuê cảng ODA Cái Mép trong thời hạn 30 năm với giá thuê cố định là 219,57 triệu đô la Mỹ, còn cảng tổng hợp Thị Vải cũng được cho thuê trong vòng 30 năm với giá thuê cố định là hơn 130,5 triệu đô la Mỹ. Cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải, được khánh thành vào cuối tháng 1-2013 tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam, với tổng vốn đầu tư gần 13.000 tỉ đồng. Còn cảng An Thới (Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) cũng được cho thuê với giá thuê cố định trong 30 năm là 88,906 tỉ đồng. Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn. |