gia tri12312slide3hoaslide6daoslide8sen
sologun

Xuất khẩu thủy sản sụt giảm và những biện pháp tháo gỡ khó khăn

M

 

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục hải quan, xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm 2015 sụt giảm 16,23% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt gần 3,58 tỷ USD.

Điều đáng chú ý là trong 7 tháng đầu năm nay xuất khẩu thủy sản sang tất cả các thị trường lớn đều giảm so với cùng kỳ; trong đó xuất sang Hoa Kỳ giảm 29,44%, đạt 687,16 triệu USD; sang Nhật Bản giảm 10,94%, đạt 553,04 triệu USD; sang Hàn Quốc giảm 11,07%, đạt 305,75 triệu USD; sang Trung Quốc giảm 11,37%, đạt 228,63 triệu USD.

Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) ước tính XK thủy sản của cả nước 8 tháng đầu năm đạt 4,2 tỷ USD, giảm hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái. XK của các sản phẩm chủ lực đều giảm, trong đó XK tôm giảm mạnh nhất tới 29%, tác động mạnh đến kết quả XK chung.

Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Năm nay, thời tiết khắc nghiệt hơn nên thời vụ xuống giống tôm thẻ chân trắng chậm 1,5-2 tháng so với năm trước. Đến nay, sản lượng tôm thẻ chân trắng đã giảm hơn 17% so với cùng kỳ năm trước. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp khiến XK thủy sản sụt giảm mạnh trong 8 tháng đầu năm.

Lý giải cặn kẽ hơn về các khía cạnh khiến XK thủy sản sụt giảm, tại cuộc họp bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh XK nông, lâm, thủy sản do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết: Thời gian qua, thuế chống bán phá giá (CBPG) đã ảnh hưởng mạnh đến XK cá tra. Theo kết quả chính thức mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố, thuế CBPG trong đợt rà soát lần thứ 10 (POR10) mà nước này áp với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam tăng gần gấp đôi so với kết quả sơ bộ. Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá mạnh, đồng Euro và đồng Yên mất giá làm giảm nhu cầu NK tại hai thị trường là EU và Nhật Bản, tăng áp lực cạnh tranh tại thị trường Hoa Kỳ.

Còn theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT): Việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng nhân dân tệ cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới XK thủy sản thời gian qua. Bởi ngay sau động thái của Trung Quốc, nhiều quốc gia cũng ngay lập tức phá giá mạnh đồng tiền khiến cho thủy sản của Việt Nam XK trở nên đắt đỏ hơn.

VASEP nhận định, mặt hàng thủy sản đang trong vòng xoáy về điều chỉnh mặt bằng giá xuống thấp (do cạnh tranh nguồn cung tăng, giá các nguồn cung lớn giảm thấp...). Một số chuyên gia dự báo, câu chuyện này không chỉ tiếp diễn trong 4 tháng cuối năm mà có thể sẽ tiếp tục kéo dài hết năm 2016, thậm chí đến năm 2017. Để giảm áp lực và tăng sức cạnh tranh của DN XK nông thủy sản, VASEP đề nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh giảm lãi suất vay ngắn hạn cho các DN sản xuất, XK ngành nông thủy sản xuống dưới mức trần 7% như hiện nay, đồng thời tăng hạn mức tín dụng và tăng thời gian cho vay.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết: Hiện nay, giá thành sản xuất các mặt hàng thủy sản Việt Nam ngày càng cao và cao hơn các nước đang XK cạnh tranh, trong khi tâm lý và cách tiếp cận của nhiều người dân và DN vẫn là giá bán đã cao và ngày càng cao hơn nữa. Điều này đã không còn phù hợp. Vì vậy, VASEP cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT tập trung và có chương trình, giải pháp đồng bộ phối hợp cùng các bên liên quan cho việc giảm giá thành sản xuất.

Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho XK thủy sản sang thị trường Trung Quốc, linh hoạt và điều chỉnh phù hợp về chính sách thuế, thủ tục hải quan, tỷ giá hối đoái; cập nhật và thông báo kịp thời cho DN về các quy định, chính sách của Trung Quốc, nhất là vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm XK… cũng là những vấn đề mà các DN hy vọng.

Liên quan đến vấn đề hội nhập, với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, đang rà soát và các FTA đang đàm phán, VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT quan tâm và tăng cường, chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các Bộ: Tài chính và Công Thương trong quá trình chuẩn bị và đàm phán, rà soát nhằm đảm bảo tối đa hóa các thuận lợi và sự phù hợp đối với các sản phẩm thủy sản nói riêng và nông sản nói chung của Việt Nam

Số liệu thống kê sơ bộ của TCHQ xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm 2015

ĐVT: USD

 

Thị trường

 7T/2015

 7T/2014

+/-(%) 7T/2015 so với cùng kỳ 

Tổng kim ngạch

       3.577.328.705

       4.270.589.074

-16,23

Hoa Kỳ

           687.160.268

           973.841.040

-29,44

Nhật Bản

           553.036.119

           620.997.230

-10,94

Hàn Quốc

           305.748.216

           343.806.176

-11,07

Trung Quốc

           228.625.135

           257.951.128

-11,37

Thái Lan

           121.758.288

           103.031.404

+18,18

Đức

           112.150.212

           136.266.090

-17,70

Anh

           103.047.814

             79.507.131

+29,61

Canada

             99.933.915

           112.739.088

-11,36

Hà Lan

             99.855.493

           122.182.696

-18,27

Australia

             95.582.688

           123.076.787

-22,34

Hồng Kông

             83.412.369

             85.125.420

-2,01

Đài Loan

             68.563.377

             81.348.502

-15,72

Italia

             64.769.452

             84.374.545

-23,24

Bỉ

             61.758.626

             76.422.722

-19,19

Pháp

             61.321.622

             80.999.133

-24,29

Singapore

             57.704.420

             56.972.576

+1,28

Tây Ban Nha

             52.363.455

             80.752.709

-35,16

Mexico

             52.097.009

             60.562.572

-13,98

Malaysia

             43.424.708

             40.821.596

+6,38

Nga

             43.051.580

             34.479.416

+24,86

Ả Rập Xê út

             40.457.483

             37.894.270

+6,76

Braxin

             38.885.740

             71.510.491

-45,62

Ai Cập

             37.551.634

             39.069.116

-3,88

Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất

             36.293.579

             39.400.745

-7,89

Colômbia

             36.188.177

             37.484.916

-3,46

Philippines

             33.688.364

             32.471.247

+3,75

Thuỵ Sĩ

             26.333.811

             50.923.417

-48,29

Bồ Đào Nha

             22.829.640

             28.190.367

-19,02

Israel

             22.666.527

             28.337.868

-20,01

Đan Mạch

             18.690.707

             21.975.130

-14,95

Thuỵ Điển

             11.541.527

             10.664.516

+8,22

NewZealand

             11.075.407

             12.447.959

-11,03

Campuchia

             10.269.863

               8.512.932

+20,64

Ấn Độ

             10.063.769

               8.485.468

+18,60

Ba Lan

               9.844.736

             11.563.890

-14,87

Séc

               8.450.670

               5.262.183

+60,59

Pakistan

               8.009.943

               6.996.560

+14,48

Cô Oét

               7.689.647

               7.280.338

+5,62

Hy Lạp

               5.608.243

               9.199.473

-39,04

I rắc

               5.245.689

               4.497.416

+16,64

Thổ Nhĩ Kỳ

               4.964.719

               4.491.964

+10,52

Ucraina

               3.972.253

             21.760.714

-81,75

Rumani

               2.724.713

               4.960.652

-45,07

Indonesia

               1.568.502

               3.233.013

-51,48

Brunei

                  767.176

                  810.531

-5,35

 

Theo nhanhieuviet/Phòng Thông tin kinh tế quốc tế- VITIC