gia tri12312slide3hoaslide6daoslide8sen
sologun

Mỹ giảm thuế chống bán phá giá tôm: Doanh nghiệp Việt vẫn lép vế

 

 

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Mỹ cho rằng, việc Mỹ giảm thuế chống bán phá giá tôm gần như không cải thiện được tình hình khó khăn hiện tại.

Hôm qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế trung bình là 0,91%, thấp hơn 0,02 điểm phần trăm so với mức trung bình của lần công bố kết quả sơ bộ vào tháng 3-2015.

Nhiều ý kiến cho rằng, với mức thuế POR9 giảm mạnh so với POR8, kỳ vọng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong những tháng cuối năm sẽ khởi sắc, sau khi sụt giảm trên 50% trong 8 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, trao đổi với Vinanet, đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang thị trường này khẳng định gần như không có tác động, hoặc tác động nhưng không đáng kể đến tình hình xuất khẩu hiện tại.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản và Thương Mại Thuận Phước cho rằng, thuế chống bán phá giá của Mỹ mặc dù đã thấp hơn so với năm 2014 song với tình hình hiện tại thì tôm Việt Nam vào thị trường này cũng gặp nhiều bất lợi. Bởi thực tế, giá tôm Việt Nam đang phải cạnh tranh với nhiều thị trường xuất khẩu tôm vào Mỹ như Ấn Độ, Indonesia... Trong khi đồng tiền các nước này mất giá so với đô la Mỹ từ 20-30%.

Ông Lĩnh phân tích: Nếu Mỹ hạ thuế chống bán phá giá xuống cộng với đồng tiền Việt Nam giảm giá thì cũng không bằng đồng tiền Ấn Độ và Indonesia mất giá khoảng 20-30% so với đồng đô la Mỹ. Do đó, tôm bán vào thị trường Mỹ của Ấn Độ và Indonesia hiện rẻ hơn Việt Nam 2-3 USD/kg.

Ngoài ra, theo ông Lĩnh, giá thành sản xuất tôm thành phẩm của Việt Nam hiện tại cao hơn so với Ấn Độ và Indonesia.

Ông Lĩnh làm phép tính, Việt Nam chủ yếu phải nhập khẩu giống tôm với giá đắt, khoảng 90 đồng/con giống (giá tôm giống ở Ấn Độ chỉ khoảng 40 đồng/con giống), chi phí thức ăn ở Việt Nam 35.000 đồng nuôi một con tôm (giá này ở Ấn Độ khoảng 25.000 đồng). Như vậy, cùng với giá thuốc trừ bệnh, chi phí các loại thì gía 1kg tôm thành phẩm ở Việt Nam khoảng 80.000 đồng, trong khi đó, giá ở Ấn Độ chỉ khoảng 50.000 đồng/kg.  

Đồng thời, tỷ lệ nuôi tôm thành công ở Việt Nam chỉ đạt 30% trong khi ở các quốc gia cạnh tranh khác như Indonesia, Ấn Độ là 70%.  “Nghĩa là 100 hecta nuôi tôm thì chỉ thu lại khoảng 30 hecta. Tôm mình nuôi bỏ xuống ao chết lên chết xuống. Trong khi con giống tôm của Ấn Độ do chính các nhà khoa học của họ nghiên cứu thổ nhưỡng, môi trường nên phù hợp và năng suất cao hơn”, ông Lĩnh nói.

Ngoài ra, theo ông Lĩnh, hiện tại một con tôm nuôi ở Việt Nam cõng quá nhiều phí. Chẳng hạn như thuế kiểm nghiệm hàng xuất khẩu, chi phí vận chuyển cao, công lao động cao trong khi năng suất lao động thấp... cũng khiến tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ khó cạnh tranh với các thị trường khác.

“Chi phí vận chuyển ở Việt Nam quá đắt, tôi chở một contener từ Đà Nẵng vào Sài Gòn còn đắt gấp 2 lần từ Đà Nẵng đi Nhật Bản. Tất cả các yếu tố này dẫn đến giá thành tôm ở Việt Nam đắt hơn so với các nước khác. Hiện tại, tôm nguyên liệu Ấn Độ rẻ hơn Việt Nam từ 2-3USD/kg nên nếu Mỹ giảm thuế chống bán phá giá thì Việt Nam vẫn khó cạnh tranh với Ấn Độ, Indonesia”, ông Lĩnh khẳng định.

Ông Lĩnh cũng cho hay, xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ đang giảm. Tính trong 8 tháng đầu năm, doanh nghiệp Thuận Phước ước tính giá trị xuất khẩu sang Mỹ khoảng 45 triệu USD, giảm 56% so với cùng kỳ năm 2014.

“Từ nay đến cuối năm tôi không tin xuất khẩu sang thị trường này có sự khởi sắc”, ông Lĩnh khẳng định.

Đồng quan điểm với ông Lĩnh, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho rằng, mặc dù Mỹ giảm thuế chống bán phá giá, doanh nghiệp xuất khẩu tôm được lợi từ thuế này giảm nhưng vẫn gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với các thị trường khác.

 “Việc giảm thuế này bình thường, giảm không đáng kể và thuế cũng không phải là yếu tố quan trọng nhất để cạnh tranh với các thị trường khác. Quan trọng là giá thành sản xuất tôm của các nước xuất khẩu vào Mỹ rẻ hơn Việt Nam rất nhiều”, ông Dũng nói.

 

Theo thống kê của VASEP, trong 8 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 370 triệu đô la Mỹ, tiếp tục giảm mạnh do áp lực cạnh tranh về giá và nguồn cung từ các nước Ấn Độ, Indonesia.

Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 20% lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2014, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt trên 1 tỷ đô la Mỹ.

 

Theo Vinanet