gia tri12312slide3hoaslide6daoslide8sen
sologun

Phụ phí cảng biển: Đến hẹn lại tăng!

 

 

Vấn đề phí và phụ phí tàu biển trong những năm qua vẫn như một “căn bệnh” trầm kha chưa có thuốc chữa mà các DN XNK đang phải chịu đựng. Thông lệ vào tháng 7 hàng năm, đến mùa cao điểm của hoạt động giao thương XNK, vấn đề này một lần nữa lại gây ra những tác động không hề nhỏ đến nhiều DN.

Dai dẳng

Bản tin kinh tế - dệt may tháng 6-2015 của Hiệp hội Dệt may cho biết, gần đây các DN lại phản ánh các phí và phụ phí đang tiếp tục “leo thang” với lí do... các hãng tàu, đại lý giao nhận đang thực hiện việc "hu hộ, chi hộ" cho các hãng tàu nước ngoài (?!).

Còn theo nhiều DN thuộc ngành hàng da giày và dệt may, tháng 7 là bắt đầu mùa cao điểm của XNK hàng hóa và đã thành thông lệ, các hãng tàu tăng giá. Cục Hàng hải cũng cho rằng, thực chất các loại phụ phí đều nằm trong giá cước vận tải nhưng các hãng tàu hạ giá cước để giành hợp đồng và buộc phải tăng thu phụ phí để bù lại giá cước. Để lấy được hàng thì chủ hàng phải chấp nhận trả các khoản phí này.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Giám sát hàng xuất, Công ty Cổ phần giao nhận vận tải Con Ong, bắt đầu vào tháng 7, giá cước tàu biển có sự tăng đột biến. Trong tháng 6 cước vận tải đi châu Âu còn có giá 250-500 USD/TEU thì đến thời điểm hiện tại, tùy từng địa điểm mà có giá tăng lên 750-1000 USD/TEU, có hãng tàu còn báo 1.200 USD/TEU. Giá cả hiện đang có nhiều dao động vì thị trường châu Âu chưa ổn định.

Cũng theo bà Vân, năm nay cước tàu tăng khá đột ngột. Tháng 5, tháng 6 hàng hóa chưa có nhiều, bắt đầu sang tháng 7 thì công việc dồn dập nên mới có hiện tượng giá tăng đột biến như vậy. Bên cạnh việc tăng giá cước, một số loại phụ phí liên quan dịch vụ xếp dỡ container (THC), phí mất cân đối container (CIC hoặc CIS)… có tăng lên khoảng 10 USD so với trước đây. Tăng nhiều như vậy nhưng các DN vẫn phải chấp nhận để có thể chuyển được hàng đi.

Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan hơn, ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cho rằng, bao giờ cũng thế, việc XNK hàng hóa dồn vào mùa cao điểm nên giá cả của phí và phụ phí tăng là chuyện bình thường, bởi có lúc tăng nhưng cũng có lúc giảm. Tuy nhiên, vấn đề phụ phí hiện vẫn rất “hỗn loạn”, vì bên cạnh nhiều phụ phí hợp lý vẫn còn một số hãng tàu đưa ra phụ phí rất vô lý mà DN phải chịu đựng.

DN phải chấp nhận?

Với hàng loạt những phụ phí mà các hãng tàu chưa minh bạch trong việc thu chi như: Phí bốc xếp tại cảng, phí chứng từ, phí mất cân bằng container…, DN mỗi khi XK sẽ bị thiệt hại nhiều hoặc gây ra những thủ tục ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Đặc biệt, đa phần DN Việt Nam vẫn áp dụng hình thức mua CIF (giá tại cửa khẩu bên nhập, đã gồm chi phí bảo hiểm, vận chuyển tới bên NK) nhưng lại bán FOB (giá tại cửa khẩu của bên xuất, chưa gồm phí bảo hiểm và vận chuyển tới cảng của bên nhập) nên không trực tiếp đàm phán, ký kết hợp đồng với các chủ tàu. Do đó, DN phải chịu thiệt khi chấp nhận các khoản phụ phí theo hãng tàu.

Bà Phạm Diệu Hằng, Trưởng phòng XNK, Công ty TNHH may Yakjin Việt Nam cho biết, mặc dù giá cả đã có sự thống nhất nhưng cũng có đợt cước phí tăng lên, khiến DN phải mất thêm một khoản chi phí, ví dụ như khi giá xăng dầu tăng thì cước phí và một số phụ phí liên quan đến vận tải, xếp dỡ… cũng được đà tăng theo, cộng thêm phụ phí chênh lệch giá xăng dầu. Tuy nhiên, Công ty đã có mối liên hệ làm ăn lâu dài, thân quen nên mỗi khi tăng đều được thông báo trước để có sự chuẩn bị, tránh tình trạng bị động.

Còn theo ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, sản lượng XK qua đường biển của Công ty tuy không lớn nhưng nhiều khi trong hoạt động XNK, các hãng tàu đưa ra những phụ phí vô lý như phí tắc nghẽn hàng hóa, phí vệ sinh – sửa chữa container, phụ phí xăng dầu… gây ảnh hưởng đến thời gian giao hàng của Công ty.

Chính vì thế, ông Phan Thông cho rằng, việc tăng cước phí và vấn nạn phụ phí hiện vẫn còn nhiều bất cập nên khi làm việc với các hãng tàu, DN nên có sự điều đình để xem hợp đồng ký như thế nào, có thể điều chỉnh theo hướng hai bên cùng có lợi hay không. Còn đối với các hãng tàu, cần phải xem xét việc tăng giá cước thì giá trị của dịch vụ có tăng lên hay không. Nhiều khi, tăng giá cước nhưng phụ phí có thể được giảm bớt hoặc đã có sự cộng gộp. Nhưng nhìn chung, vào mùa cao điểm thì DN XNK phải chấp nhận hiện tượng tăng giá.

Trước tình trạng nhức nhối này, sắp tới đây, đại diện của một số hiệp hội như dệt may, thủy sản, da giày, chủ hàng… sẽ nhóm họp nhằm cùng đưa ra những phương hướng tháo gỡ.

 

Trước những bức xúc của DN về vấn đề phí và phụ phí theo cước vận tải biển, một cuộc họp về vấn đề này đã được Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức với sự tham gia của nhiều Hiệp hội và các ban, ngành liên quan vào ngày 7-7 tại Hà Nội. PV Báo Hải quan đã ghi nhận một số ý kiến như sau:

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam: Việc tăng giá phụ phí đã trở thành thông lệ và là xu hướng theo thị trường mà DN không thể tránh khỏi. Nhưng vấn đề là DN phải biết mình đang trả phí cho cái gì và cho ai, có minh bạch và chính thống hay không.

Ông Nguyễn Tương, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam tại Hà Nội: DN nên tự cứu mình trước. Hiệp hội và DN nên phối hợp tổ chức một lớp học về vấn đề này cho những người làm XNK, để cùng phổ biến, giúp phân biệt được phụ phí này thu vì sao và thực hiện như thế nào. Về phía các hãng tàu, DN khi làm việc cần yêu cầu họ minh bạch về các loại phí, nếu muốn nâng giá thì phải thông báo trước cho DN.

Bà Vũ Kim Giang, Phó phòng XNK, Công ty Cổ phần May 10: Khi xuất hàng, mỗi hóa đơn đưa về là Công ty đều yêu cầu phía đại lý và các hãng tàu đưa ra chứng từ chứng minh chi phí phải trả cho hóa đơn đó, nhưng với cước phí thì họ đưa, còn phụ phí thì không ai đưa. Cùng với đó, nếu giá thành đưa ra quá cao thì Công ty đã đàm phán để giảm bớt, sau 3 lần thì chi phí đã giảm xuống được khoảng 100 USD.

Bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam: DN và hiệp hội cần phối hợp với các chuyên gia để phân định phí và phụ phí này thuộc về trách nhiệm của ai chi trả, phụ phí nào là vô lý, không liên quan để loại bớt. Bên cạnh đó, DN cần “đấu tranh” mạnh hơn để đưa mức giá xuống thấp nhất có thể.