gia tri12312slide3hoaslide6daoslide8sen
sologun

Việt Nam sẽ ngược chiều xu hướng thế giới

 

 

Với 23 ngàn dòng thuế được cắt giảm về 0% theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng mạnh về thương mại, ngược với xu hướng chậm lại của hoạt động buôn bán trên thế giới.

Lợi thế FTA

Chiều 5/8, ông Franz Jessen, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đang bước vào giai đoạn ký kết. Ông hy vọng, mùa thu năm nay hiệp định sẽ hoàn tất và được thông qua bởi Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam.

Ngay sau khi EVFTA được ký kết, Việt Nam sẽ đưa thuế về 0% đối với 65% tổng số dòng thuế. Các dòng thuế còn lại sẽ được bãi bỏ trong vòng 10 năm. Còn EU sẽ bãi bỏ thuế ngay lập tức đối với 71% dòng thuế ngay trong ngày đầu tiên hiệp định có hiệu lực và hoàn thành đưa về 0% đối với các dòng thuế còn lại trong 7 năm.

Sau 7 năm đối với EU và 10 năm đối với Việt Nam, 99% tổng số dòng thuế giữa Việt Nam và EU sẽ được bãi bỏ hoàn toàn. 1% còn chịu thuế là các mặt hàng nhạy cảm. Các mặt hàng của Việt Nam như giày dép, cà phê, dệt may, thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ, túi xách, ô dù… sẽ được hưởng lợi.

Ông Jean Jacques Bouflet, tham tán thương mại của Phái đoàn EU cho biết, hiện thặng dư thương mại của Việt Nam với EU lớn, thường xuất khẩu trung bình năm gấp đôi so với nhập về từ khối. EVFTA sẽ giúp duy trì dòng thương mại có lợi cho Việt Nam nhờ vào sức cạnh tranh mạnh dựa trên yếu tố giá rẻ.

Theo đánh giá của Dự án MuTrap (thuộc EU), xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng mạnh 30-40% sau khi có EVFTA. Trong năm 2014, Việt Nam xuất sang EU đạt 28 tỷ USD, trong khi nhập về gần 9 tỷ. Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sang EU đạt mức tăng 12,4%.

Ngân hàng HSBC cho rằng hoạt động thương mại của thế giới đang chậm lại. Tuy nhiên, Việt Nam đang ở vị thế tiếp tục đạt thêm một vài thị phần sản xuất toàn cầu tăng trưởng xuất khẩu đa dạng với các đối tác lớn.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã được ký kết hồi đầu tháng 5. Giờ đây, Việt Nam đã kết thúc đàm phán FTA với EU và đang thúc đẩy hợp tác toàn diện với Mỹ thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo ông Phạm Hồng Hải, TGĐ HSBC Việt Nam, với thương mại song phương tăng 3 lần trong thập kỷ qua lên gần 37 tỷ USD mỗi năm, EVFTA được kỳ vọng đẩy con số này lên những nấc thang lớn hơn nhiều. Việt Nam sẽ hưởng lợi từ xuất khẩu tự do hơn tới một trong những thị trường xuất khẩu vốn đã lớn nhất của mình.

Thách thức còn lại

Theo Bộ Công Thương, EVFTA là hiệp định có mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được cho đến thời điểm này. Hàng loạt các mặt hàng nông sản, thủy sản… sẽ được hưởng lợi. Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ xu hướng đầu tư FDI của EU.

Ông Franz Jessen cũng cho rằng, EVFTA là một hiệp định đầy tham vọng của 2 bên và nó sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam cũng như EU. Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong nước.

Trong khi đó, theo đánh giá của HSBC, với EVFTA, thị phần của Việt Nam trong tổng thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục tăng, sau khi đã tăng ấn tượng từ mức 0,7% năm 2013 lên 0,8% trong năm 2014.

 

hội nhập, hiệp định thương mại, đàm phán, ký kết, FTA, EU, Việt-Nam, hạn-ngạch, thuế, hội-nhập, hiệp-định-thương-mại, TPP, VKFTA, ASEAN, WTO
Điều quan trọng nhất để tận dụng lợi thế FTA là phải nâng cao sức cạnh tranh.

 

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, hội nhập cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam.

Với EU, nền kinh tế khu vực này và Việt Nam về cơ bản là hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau, không có cạnh tranh lớn. Mặc dù vậy, để tăng mạnh xuất khẩu vào khu vực này không dễ, các DN Việt cần nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật của phía EU.

Jean Jacques Bouflet cho biết, áp lực đối với các DN Việt Nam là FTA yêu cầu phải tuân thủ tiêu chuẩn thế giới. Việt Nam đang tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu do vậy các DN cần chuẩn bị sẵn sàng nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như các vấn đề về bảo vệ người lao động, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, về biến đổi khí khậu, bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã …

Một số mặt hàng nông sản nhạy cảm vẫn phải tuân thủ theo hạn ngạch như: gạo, thịt lợn, bò, gà, ngô ngọt, đường, tỏi, nấm, bột sắn, cà ngừ đóng hộp… Sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như dệt may, giày dép, thủy sản… cũng chỉ được gỡ bỏ dần trong thời gian 7 năm.

Theo cam kết, Việt Nam sẽ mở cửa cho hầu hết các sản phẩm thực phẩm của EU, cả nguyên liệu và sản phẩm đã qua chế biến. Thịt bò sẽ được miễn thuế sau 3 năm, sữa tối đa 5 năm, thực phẩm sơ chế tối đa 7 năm. 70% hóa chất sẽ được dỡ bỏ, còn lại xóa dần theo lộ trình 3, 5 và 7 năm. Thuế ô tô cũng sẽ về 0% trong 10 năm.

Tự do hóa thương mại với các đối tác lớn như EU với EVFTA và sắp tới là TPP, cơ hội cho DN Việt là rất lớn. Mặc dù vậy, bài học sau 8 năm gia nhập WTO cho thấy, về tổng thể, hội nhập là tích cực nhưng không đúng với mọi ngành, mọi DN.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hội nhập sẽ không miễn trừ ai. Và các DN Việt cần xây dựng chiến lược kinh doanh tổng thể và cho hội nhập.

Còn theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thách thức lớn hiện nay vẫn là sự thong thả, bình thản của các DN trong nước.

Các FTAs Việt Nam đã và đang đàm phán đặt rất cao luật chơi, không phân biệt nước cao nước thấp, nước giàu nước nghèo.

Theo Vietnamnet.