gia tri12312slide3hoaslide6daoslide8sen
sologun

Xuất khẩu giày dép sang thị trường Mỹ tăng mạnh

Kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam qua thị trường Mỹ đang tăng khá nhanh, đạt 2 tỉ đô la Mỹ trong 6 tháng đầu năm nay và đã ngang bằng với kim ngạch xuất khẩu qua thị trường châu Âu, vốn là thị trường lớn nhất cho ngành giày dép Việt Nam từ trước đến nay.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu giày dép các loại được hơn 5,85 tỉ đô la Mỹ, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Kim ngạch xuất khẩu sang hai thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều đạt 2 tỉ đô la Mỹ, với tốc độ tăng lần lượt là 30,2% và 17%.

Trong nhiều năm qua, châu Âu luôn là thị trường lớn nhất của ngành da giày Việt Nam; chẳng hạn như vào năm 2009, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam qua thị trường Mỹ chỉ đạt hơn 1 tỉ đô la Mỹ, bằng một nửa kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này sang EU.

Theo bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty giày Liên Phát, chuyên sản xuất giày xuất khẩu tại Bình Dương, trong quí 2 năm nay, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu giày dép khởi sắc. Đến nay, hầu hết doanh nghiệp đã có đơn hàng cho đến tháng 2 năm sau.

Hiện nay, doanh nghiệp trong ngành có khuynh hướng chuyển sang thị trường Mỹ, chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), và một số doanh nghiệp lớn trong nước, bà Liên cho biết.

Lượng đơn hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ rất lớn, và số lượng giày sản xuất của mỗi đơn hàng cũng lớn, với trên 10.000 đôi giày cho mỗi đơn hàng. Do đó, khi nhận những đơn hàng này, doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, và có lợi nhuận cao hơn so với việc nhận những đơn hàng nhỏ. Trong khi đó, đơn hàng xuất khẩu giày dép sang thị trường châu Âu chủ yếu là những đơn hàng nhỏ. Những doanh nghiệp cỡ trung và nhỏ thường chọn thị trường châu Âu, với những đơn hàng vừa và nhỏ chừng 3.000-5.000 đôi giày.

Theo số liệu từ Văn phòng Dệt May (OTEXA) của Bộ Thương mại Mỹ, trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu giày dép các loại vào thị trường Mỹ đạt hơn 1.101 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 28%. Trong đó, nhập khẩu nhóm hàng hóa này từ Trung Quốc chiếm hơn 78% và tăng hơn 23,3%, từ Việt Nam chiếm hơn 12% và tăng 59,5%.

Số liệu của OTEXA cũng cho thấy, từ năm 2010 đến hết năm 2014, nhập khẩu nhóm hàng này vào thị trường Mỹ từ các nước trên thế giới nhìn chung đều tăng qua các năm, tuy nhiên nhập khẩu từ Trung Quốc liên tiếp giảm về thị phần, từ trên 86,8% trong năm 2010 xuống còn hơn 78% trong 5 tháng đầu năm nay.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này vào Mỹ từ các nước khác tại châu Á, đặc biệt từ Việt Nam, tăng nhanh trong các năm qua khi doanh nghiệp Mỹ đang tìm cách giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc vốn có lương công nhân đang ngày càng cao.

Nhìn chung, theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso Vietnam), tình hình đơn hàng da giày năm nay khá tốt, và toàn ngành da giày năm nay hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 14,5 tỉ đô la Mỹ mà Bộ Công Thương đề ra, tức tăng khoảng 20% so với năm 2014.

Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, phần lớn tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp FDI. Trong vài năm qua, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI thường chiếm từ 65-75% kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, khối doanh nghiệp FDI đã chiếm trên 79% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam, với mức tăng trưởng đạt gần 24% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù chỉ chiếm 23% về số lượng doanh nghiệp trong ngành.

Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước chiếm 77% về số lượng, nhưng chỉ chiếm hơn 20% về kim ngạch xuất khẩu và có kim ngạch xuất khẩu giày dép trong 6 tháng đầu năm nay tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: TBKTSG Online