gia tri12312slide3hoaslide6daoslide8sen
sologun

Doanh nghiệp la bị hải quan ép

Doanh nghiệp đụng phải rất nhiều thủ tục cần hải quan “xem xét”…

Có doanh nghiệp (DN) phải kêu lên như thế tại buổi lấy ý kiến phản ánh của cộng đồng DN về thủ tục xuất nhập khẩu. Buổi lấy ý kiến này do Dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (Dự án GIG) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức sáng 9-9.

Cứ đổ cho doanh nghiệp là gian dối

Nêu ý kiến tại đây, ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thép Khương Mai, than phiền nhiều năm liền bị cơ quan hải quan buộc kê khai lại giá nhập khẩu thép cao hơn giá mà DN thực nhập. “Mua thép Trung Quốc giá 350 USD, bị hải quan bắt áp giá lên 450 USD, mua 500 USD thì bị bắt kê khai lên 700 USD. Chúng tôi phải đến gặp hải quan để tham vấn giá thường xuyên. Chúng tôi đưa đầy đủ thông tin giá cả, thanh toán... của đối tác cho hải quan nhưng hải quan không chấp nhận, cứ cho là DN gian lận khai giá thấp để bớt thuế nhập khẩu. Mà DN gian để làm gì? Tôi phân tích cho thấy nếu DN khai giá nhập khẩu thấp mà bán ra thị trường giá cao thì chênh lệch cao-thấp chúng tôi phải nộp thuế thu nhập DN cơ mà! Thông tin giá thép như giá vàng vậy, có đầy đủ hết trên mạng mà hải quan không chịu. “Không nên ép DN quá chứ!” - ông Khương bất bình.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng góp thêm: Khi nhập khẩu, DN đã xuất trình toàn bộ email giao dịch, hợp đồng ký kết giữa hai bên, chứng từ thanh toán qua ngân hàng... Tuy nhiên, hải quan vẫn bắt DN lên tham vấn giá, dù giá DN khai với giá hải quan đòi áp chênh nhau có 0,05 USD/mét vải!

Ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý Tổng cục Hải quan, khẳng định: “Nếu hải quan không đủ cơ sở để chứng minh giá của DN là không đúng thì không được bác giá của DN. DN cứ mạnh dạn khiếu nại, kiện ra tòa”.

Tuy nhiên, sự việc không đơn giản như ông Tuấn gợi ý. Ông Đặng Văn Hiếu (Công ty ALC chuyên về hậu cầu xuất nhập khẩu) cũng than phiền việc áp giá cao. “Mỗi lần đi tham vấn giá, tôi mang tất cả giấy tờ theo, danh sách giá..., vậy đủ cơ sở chứng minh giá chưa? Hải quan địa phương có “bùa” là bảng giá tối thiểu của ngành hải quan, cứ lấy ra mà áp, đâu có cho DN chứng minh. Nếu có DN khác nhập hàng với giá cao hơn thì hải quan cứ đem giá cao đó ra mà so sánh, áp đặt” - ông Hiếu cho biết.

Đề xuất bỏ quyền “xem xét”

Ông Đặng Văn Hiếu cho rằng DN đụng phải rất nhiều thủ tục cần hải quan “xem xét” mới “quyết định”, ví dụ xem xét hàng có được đưa về kho DN tự bảo quản hay không. Ông kiến nghị trong các quy định cần bỏ cụm từ “xem xét”, hạn chế cái quyền “xem xét” cho các cơ quan quản lý. Cứ quy định rõ trường hợp nào được là DN phải được, trường hợp nào không được là nhất định DN không được, cơ quan hải quan phải ra quyết định luôn chứ không cần thủ trưởng “xem xét” gì hết. Còn quy định “xem xét” thì ai cũng biết muốn được “xem xét” thì phải làm gì rồi đó!

Theo ông Hiếu, mỗi tháng công ty nhập khoảng 3.000 lô hàng, tương ứng phải làm 3.000 bộ hồ sơ, 3.000 lần thủ tục. Trong đó, DN phải vào trang web của Tổng cục Hải quan in mã vạch của tờ khai, đưa cho hải quan giám sát coi và ký, sau đó hải quan giám sát đưa lại cho DN. Ông góp ý: “Sao không để nhân viên hải quan tự coi trên trang web luôn đi, bớt được vài ba công đoạn, chỉ cần họ gõ số tờ khai là ra mã vạch mà”. Mặt khác, nếu DN phải làm việc in mã vạch thì khi web trục trặc, cụ thể là cách đây ba tuần, DN không vào web để in mã vạch được, chỉ có công chức hải quan là còn vào web để in được, thế là phải “nhờ” hải quan in giùm DN. Mà ai cũng biết hàng bao nhiêu DN muốn “nhờ” thì mình phải làm sao rồi đó!

 

Vào vai doanh nghiệp mới thấy thủ tục khó lắm!

Thời gian qua, dự án đã gặp và khảo sát nhiều DN. Về mặt tốt thì 94% DN đánh giá có chuyển biến tích cực về thủ tục hải quan, cụ thể là thông quan điện tử, hệ thống cung cấp thông tin pháp luật hải quan dễ hơn nhiều so với các nguồn pháp luật khác, hệ thống tham vấn hải quan-DN tốt.

Về mặt chưa được thì DN phản ánh:

- Một số quy định khó hiểu, khó thực hiện. 50% DN cho rằng quy định về báo cáo quyết toán hợp đồng gia công là phức tạp hơn trước.

- 63,3% DN cho rằng quy định về thủ tục quyết toán, không thu thuế/hoàn thuế... phức tạp hơn trước.

- Một số quy định “lạc hậu”, ví dụ đã làm điện tử thì có thể điện tử hết, lại còn bắt hai cơ quan hải quan fax qua fax lại để xác nhận, mất thời gian.

- Thủ tục xác nhận hàng qua khu vực giám sát là một trong các thủ tục có nhiều vướng mắc nhất, ít cải tiến nhất hiện nay.

- Thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa rất rườm rà, phức tạp, nhiều công đoạn, nhiều bộ phận.

- Hải quan phối hợp với ngân hàng chưa tốt.

Chúng tôi đã thử vào vai của DN, trực tiếp thực hiện vài loại giấy tờ, hồ sơ, thủ tục thì thấy đúng là quá khó!

Ông PHẠM THANH BÌNHchuyên gia Dự án GIG

Sẽ làm việc lại với các cảng

Hải quan cam kết kiểm tra hàng xong trong tám tiếng kể từ khi DN xuất trình được hàng cho hải quan kiểm. DN có phản ánh việc làm thủ tục đăng ký và chờ chuyển container vào khu vực kiểm tra mất những hai ngày, chậm trễ này là do DN kinh doanh cảng chứ không phải do hải quan. Chúng tôi sẽ làm việc với các cảng để giảm tổng thời gian thông quan cho DN.

Ông VŨ NGỌC ANHPhó Tổng cục trưởng 
Tổng cục Hải quan

Theo Pháp luật TP.