Phóng viên Báo Hải quan đã trực tiếp cầm hồ sơ đi làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành để xem có hay không dịch vụ “bôi trơn” lấy kết quả.
Có phí “bôi trơn”
Được một đại lý hải quan mách nước, tôi mang một thiết bị của một thương hiệu khá nổi tiếng đi xin giấy phép. Theo tư vấn của đại lý hải quan, sản phẩm này nếu đo kiểm chắc chắn phải làm hai đến ba chuẩn khác nhau, bởi chính họ đã từng làm thủ tục NK mặt hàng trên.
Cầm catalogue sản phẩm trong tay và hợp đồng mua bán, tôi đến đơn vị cấp phép NK hàng hóa này. Không mất nhiều thời gian để tìm ra phòng cấp phép. Chưa cần trình bày nhiều và cũng chẳng cần xem qua mô tả sản phẩm, một anh cán bộ ở đây nói ngay để được cấp phép phải xin giấy chứng nhận hợp quy. Anh này cũng không quên dặn dò: “việc xin phép không đơn giản đâu, sẽ phải làm rất nhiều thủ tục”. Tìm sang phòng cấp giấy chứng nhận hợp quy, nghe hướng dẫn mới thấy để xin cấp phép được một sản phẩm, bất kể là làm gì và số lượng bao nhiêu sẽ phải qua không ít “cửa ải”. Nào là phải đem sản phẩm đi đo kiểm xem các sản phẩm có phù hợp với quy chuẩn Việt Nam hay không và đo kiểm không chỉ một chỉ số mà mấy chỉ số; mỗi chỉ số lại đo ở... một đơn vị khác nhau.
Anh cán bộ này nhắc rằng, với sản phẩm trên hiện tại phải áp dụng ba quy chuẩn. Tức là tôi sẽ phải mang thiết bị trên đi đo ba chỉ số tại hai đơn vị khác nhau. Sau khi có các kết quả này mới quay trở lại để xin Giấy chứng nhận hợp quy. Tôi hỏi thêm về chi phí và thời gian để đo kiểm và xin giấy chứng nhận hợp quy là bao lâu, được biết, riêng chi phí cấp giấy chứng nhận hợp quy là 5 triệu đồng cho một model (chưa kể chi phí đo kiểm) và sau 10 ngày nộp kết quả đo kiểm mới được cấp giấy chứng nhận hợp quy. Tư vấn thêm về thời gian đo kiểm, cán bộ kia cho biết, sẽ phải chờ 2 đến 3 tuần để có các kết quả đo kiểm. Như vậy, chỉ tính riêng ở công đoạn đo kiểm và xin giấy chứng nhận hợp quy tôi sẽ phải chờ khoảng 1 tháng.
Để có câu trả lời có dịch vụ “bôi trơn” lấy nhanh kết quả kiểm tra hay không, lấy lí do công ty cần gấp sản phẩm, thời gian một tháng thì quá lâu, tôi đặt vấn đề làm dịch vụ để có được kết quả sớm hơn. Ngay lập tức, tôi nhận được câu trả lời chỉ cần sau một tuần đã có Giấy chứng nhận hợp quy và tất nhiên chi phí ngoài hóa đơn sẽ là cả chục triệu đồng cho một sản phẩm.
Phí kiểm định gấp 3 lần trị giá sản phẩm (!?)
Đây chỉ là một trong số rất nhiều các câu chuyện liên quan đến “cái khó” của làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Tại hội thảo đơn giản thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK được tổ chức mới đây, vấn đề mà nhiều DN nhắc tới là thủ tục xin giấy phép, chứng nhận, đăng ký kiểm tra, trả kết quả quá dài. 70,6% DN được khảo sát cho biết thời gian cấp giấy phép, chứng nhận hợp quy là 1 đến 15 ngày; 44,4% DN được khảo sát cho biết thời gian kiểm tra chuyên ngành từ 7 đến 15 ngày; thời gian hoàn thành thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với mặt hàng thiết bị điện tử viễn thông NK khoảng 15 ngày… Bên cạnh đó, DN cũng than thở về chi phí phải bỏ ra cho việc kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK rất lớn. Bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc Công ty TNHH TM và XD An Đô cho biết, bình quân mỗi ngày DN có tới 4 - 5 mẫu hàng phải kiểm tra chất lượng, cứ lặp đi lặp lại việc kiểm tra chất lượng đó trong khi chi phí kiểm tra này rất lớn, bình quân 700 triệu đồng - 1 tỉ đồng/năm. Cũng than phiền về phí kiểm tra, đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết, nhiều động cơ giá trị nhỏ chỉ 2, 3 triệu trong khi phí kiểm định 6,7 triệu đồng. Về sự phức tạp trong các khâu kiểm tra chuyên ngành hàng hóa, đại diện Hiệp hội chuyển phát nhanh châu Á-Thái Bình Dương từng giãi bày: DN làm thủ tục kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Cục An toàn thực phẩm không cấp giấy an toàn thực phẩm cho hàng cá nhận nhập phi mậu dịch (hàng mua cá nhân, quà biếu, tặng) theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP mà yêu cầu DN làm việc tại cơ quan khác. Cụ thể là Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại đây có thể làm kiểm tra an toàn thực phẩm nhưng DN phải đi đăng ký công bố sản phẩm thì mới được tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm. Mặt khác, nếu kiểm tra chất lượng cho mặt hàng thực phẩm trên tại Trung tâm tiêu chuẩn đo lường hay Vinacontrol thì chi phí lớn, 1 triệu đồng/lô hàng và phải có mẫu để mang đi kiểm định. Hơn nữa, những mặt hàng thực phẩm cá nhân NK phi mậu dịch thường rất ít và không thể lấy mẫu.
Cần sự minh bạch
Những khúc mắc xung quanh vấn đề kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK đã được nóng lên từ nhiều năm nay. Và để giải quyết vấn đề này, trong nhiều năm qua các bộ, ngành cũng đã có các giải pháp của mình. Tuy nhiên vấn đề dường như chưa được giải quyết triệt để. DN cho rằng điều quan trọng để giải quyết vấn đề vướng mắc là hệ thống văn bản pháp luật về quản lý chuyên ngành ngoài việc đảm bảo sự đầy đủ mặt hàng bị điều chỉnh (bao gồm cả tên hàng, mã số HS), phương thức kiểm tra, tiêu chuẩn kiểm tra thì cần đảm bảo sự minh bạch.
Sẽ tổ chức các diễn đàn về kiểm tra chuyên ngành Nhằm tạo diễn đàn để cộng đồng DN nêu lên những vướng mắc về kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK, tới đây Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các cuộc hội thảo về lĩnh vực này. Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm 2015, các vấn đề kiểm tra chuyên ngành sẽ được tổ chức gồm: Kiểm tra hàm lượng formaldehyt đối với sản phẩm dệt may; kiểm dịch hàng hóa XK; thủ tục khai báo hóa chất; kiểm tra chất lượng thủy sản XK; kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa XNK; các loại phí đối với hàng hóa XNK; kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa chuyển phát nhanh. Theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, các cuộc hội thảo nhằm tạo diễn đàn để cộng đồng DN và cơ quan quản lý Nhà nước thảo luận về thực trạng kiểm tra chuyên ngành đối với từng vấn đề; những tồn tại, vướng mắc trong quy trình kiểm tra, thời gian, chi phí kiểm tra và đề xuất các giải pháp cải thiện. Những nội dung trong các cuộc hội thảo sẽ là cơ sở để kiến nghị các cấp các giải pháp nhằm đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo yêu cầu Nghị quyết 19 của Chính phủ. |
Nguồn: Báo Hải quan