gia tri12312slide3hoaslide6daoslide8sen
sologun

Giải đáp về khai báo hàng tiêu hủy và nhập khẩu máy móc cũ

Để tạo thuận lợi hơn cho DN khi thực hiện khai báo thủ tục hải quan, Tổng cục Hải quan đã chủ động ghi nhận và giải đáp một số vướng mắc của DN khi thực hiện khai báo hàng tiêu hủy và thủ tục NK máy móc cũ.

Hàng tiêu hủy

Công ty TNHH Sai Gon Precision cho biết, Mục a, Khoản 8, Điều 42 Thông tư 196/2012/TT-BTC quy định: “Trước khi tiến hành tiêu hủy hàng hóa, DN chế xuất phải khai thông tin về việc tiêu hủy nguyên liệu vật tư, sản phẩm, phế liệu, phế phẩm, hàng hoá tiêu dùng... cho cơ quan Hải quan, kèm văn bản cho phép tiêu hủy tại Việt Nam của Sở Tài nguyên và Môi trường theo đúng các tiêu chí và khuôn dạng quy định theo mẫu... Trước khi tiêu hủy, DN phải khai báo cho cơ quan Hải quan biết về việc tiêu hủy này”.

Tuy nhiên, DN cho rằng, để khai báo cho loại hàng này DN cần phải có tờ khai hải quan NK để biết mã hàng, ngày NK, số Invoice... Điều này gây khó khăn cho DN nếu làm đúng theo quy định. Cụ thể là các công cụ, dụng cụ tiêu hao, hàng tiêu dùng tham gia vào quá trình sản xuất rất nhiều, do đó số lượng tiêu hao cũng rất lớn. Hơn nữa, DN không thể nào biết được những hàng hóa tiêu hao, tiêu dùng này thuộc Tờ khai hải quan NK nào để khai báo cho cơ quan Hải quan một cách chính xác. Do đó, DN đề nghị cho phép không cần khai báo với cơ quan Hải quan đối với hàng hóa là dụng cụ tiêu hao, hàng tiêu dùng.

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan đề nghị DN căn cứ quy định tại Điều 49 Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10-9-2013 và Thông tư 22/2014/TT-BTC ngày 14-2-2014 của Bộ Tài chính để thực hiện.

Công ty TNHH Sai Gon Precision phản ánh, hiện tại, DN có một số máy móc, thiết bị lỗi thời và bị hỏng cần tiêu hủy. Mặc dù DN đã có công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường cho phép tiêu hủy số máy móc này nhưng khi DN làm thủ tục khai báo thì gặp phải một số vướng mắc liên quan đến thủ tục thanh lý và tiêu hủy. Do đó, DN đề xuất, cho phép được hủy gấp để DN thay thế máy móc, thiết bị khác phục vụ việc mở rộng sản xuất.

Về thủ tục tiêu hủy máy móc, thiết bị không còn giá trị sử dụng, Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định Tiết c3, Điểm C, Khoản 5, Điều 49 Thông tư 128/2013/TT-BTC  thì: “Trường hợp tiêu hủy, DN chịu trách nhiệm thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý môi trường, có sự giám sát của cơ quan Hải quan”.

Cũng theo công văn số 6290/TNMT-CTR ngày 22-10-2012 và công văn số 5830/TNMT-CTR ngày 6-9-2013 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh trả lời một số doanh nghiệp chế xuất về việc tiêu hủy máy móc, thiết bị không còn giá trị sử dụng thì tại các văn bản này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh đã hướng dẫn DN phương án phân loại hàng hóa thuộc Danh mục chất thải nguy hại hoặc không nguy hại để đảm bảo việc tiêu hủy đúng theo quy định.

Tổng cục Hải quan đề nghị DN liên hệ với Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh để được hướng dẫn cụ thể.

Thủ tục NK máy móc cũ

Công ty TNHH Sai Gon Precision cũng nêu vướng mắc, hiện tại DN muốn NK một số máy móc thiết bị đã qua sử dụng từ Nhật Bản để làm tài sản cố định cho DN. Tuy nhiên, căn cứ theo Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9-8-2013 và Mục c, Khoản 3 Công văn số 3016/BKHCN-ĐTG của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 24-9-2013, DN có thể NK được những máy móc thiết bị này nếu có văn bản cam kết những máy móc, thiết bị đó đảm bảo các yêu cầu về an toàn và đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường khi khai báo hàng NK. Do vậy, nếu DN có văn bản cam kết theo qui định thì DN có được NK không? Nếu được, chúng tôi cần phải cung cấp cho cơ quan Hải quan những hồ sơ tài liệu gì?

Liên quan tới vướng mắc trong việc NK máy móc, thiết bị đã qua sử dụng xuất xứ Nhật Bản, Tổng cục Hải quan cho biết, về hồ sơ hải quan: Đề nghị DN căn cứ theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10-9-2013 của Bộ Tài chính và Mục c, Khoản 3 Công văn số 3016/BKHCN-ĐTG ngày 24-9-2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong trường hợp có phát sinh vướng mắc, Tổng cục Hải quan đề nghị DN gửi đầy đủ hồ sơ tới Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh để được hướng dẫn.

Cũng nêu thắc mắc về NK máy móc thiết bị cũ, Công ty TNHH Year 2000 cho biết, DN thường xuyên có nhu cầu NK các loại máy móc thiết bị phục vụ cho công đoạn kiểm tra tính năng của sản phẩm sau khi được lắp ráp hoàn chỉnh, thiết bị kiểm tra đi kèm với một bộ máy tính và bộ máy tính này thực hiện vai trò như bộ điều khiển. Máy móc được xuất từ khách hàng (bên giao gia công) và các máy móc này đã qua sử dụng vì khách hàng phải cài đặt cho bộ điều khiển. Do DN đã chứng minh được tính đồng bộ của thiết bị nên khi có nhu cầu NK các loại máy móc trên, DN đề nghị cơ quan Hải quan có thể cho DN thực hiện nhanh hơn không?

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết, do phản ánh của DN chưa nêu cụ thể vướng mắc nên về chính sách NK đề nghị Công ty căn cứ quy định tại nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20-11-2013 và các văn bản có liên quan để nghiên cứu thực hiện. Tuy nhiên, chính sách quản lý áp dụng cho mặt hàng NK không áp dụng cho bộ phận của mặt hàng NK (thiết bị đồng bộ, không theo chi tiết bộ phận).

Theo báo Hải Quan