gia tri12312slide3hoaslide6daoslide8sen
sologun

MỞ RỘNG CƠ HỘI XUẤT KHẨU CHO CÁC HỘI NGÀNH NGHỀ VIỆT NAM


Đồng hành với các tham tán, tùy viên thương mại đại sứ quán mới được bổ nhiệm, chuẩn bị nhận nhiệm vụ tại Đức, Mỹ, Thụy Điển, Ai Cập, Mexico, Maroc, Bỉ, Nhật và Ấn Độ là rất nhiều "đơn hàng" từ các hội ngành nghề và doanh nghiệp (DN) trong nước.

 

Trong buổi tiếp xúc giữa DN TP.HCM, đại diện các hội ngành nghề với các tham tán, tùy viên thương mại mới được bổ nhiệm, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức, bà Trương Thùy Linh, Tham tán Thương mại tại bang Houston (Mỹ) chia sẻ: "Theo số liệu thống kê của Mỹ, Việt Nam đang đứng thứ 13 trong các nước xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này. Thế nên, trước những "hành trình mới", các tham tán, tùy viên thương mại đều rất mong nhận được các ý kiến, "đơn hàng" từ cộng đồng DN trong nước. Qua kiến nghị của DN, khi sang thị trường được phân công công tác, chúng tôi sẽ nhanh chóng định hướng, tiếp cận và tìm hiểu những thông tin kinh tế phù hợp với nhu cầu của DN".

 

Trước sự gợi mở này, đại diện các hội ngành nghề, DN đã lần lượt "trao đơn hàng" cho các tham tán, tùy viên thương mại với kỳ vọng có thêm nhiều thị trường xuất khẩu.

 

Theo ông Đào Tiến Dũng, Chánh văn phòng Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), từ các chương trình xúc tiến xuất khẩu tại chỗ và triển lãm chuyên ngành về đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ do HAWA tổ chức hằng năm, năm 2014 đã có trên 4.000 DN nước ngoài đến tìm hiểu thị trường đồ gỗ, đồ mỹ nghệ Việt Nam, tăng gấp đôi so với các năm trước. Đây được xem là những tín hiệu khả quan.

 

Thế nên, ông Dũng nhờ các tham tán, tùy viên thương mại hỗ trợ thêm về thông tin, giúp DN Việt Nam cập nhật nhanh nhu cầu hàng hóa ở thị trường các nước.

 

Cùng "đơn hàng" về thông tin, nhu cầu thị trường, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết: Ngành hồ tiêu Việt Nam đã xuất khẩu sang 97 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện tại, Mỹ là thị trường nhập khẩu nhiều nhất hồ tiêu Việt Nam.

 

Tuy nhiên, giá tiêu của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ còn thấp, dù chất lượng bảo đảm. Ngoài Mỹ, Đức cũng là thị trường có kim ngạch tốt về hồ tiêu nhưng từ năm 2014 đã có tình trạng suy giảm về giá bán lẫn đơn hàng.

 

VPA cần có sự hỗ trợ từ các tham tán, tùy viên thương mại về thị trường thế giới để ngành tiêu Việt Nam có kế hoạch khôi phục lại đà tăng trưởng.

 

Với ngành thủy sản, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đề nghị các tham tán, tùy viên thương mại cập nhật về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm hàng hóa ở các nước, đồng thời tìm hiểu các rào cản kỹ thuật từng thị trường sở tại, giúp DN Việt Nam cùng nông dân cải thiện kỹ thuật nuôi trồng, năng suất lao động.

 

Đại diện KCN Hiệp Phước cho biết, thời gian qua KCN đã tiếp cận các nhà đầu tư (NĐT) Nhật Bản qua các đơn vị ITPC, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), nhưng phần đông yêu cầu thuê diện tích nhỏ, từ 200 - 500 m2, trong khi KCN Hiệp Phước đang phân lô với diện tích lớn.

 

Song vì KCN Hiệp Phước là dự án tập trung thu hút các NĐT Nhật đầu tư vào TP.HCM, nên để chuẩn bị cho giai đoạn đầu tư mới, cần tùy viên thương mại tại Nhật tìm hiểu về yêu cầu của các NĐT Nhật để đơn vị sớm có phương án tiếp cận thuận lợi hơn.

 

Phản hồi vấn đề này, ông Đào Quang Lợi, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản hứa, trong vòng hai tháng sau khi đến Nhật nhận nhiệm vụ, ông sẽ cung cấp những thông tin mà KCN Hiệp Phước cần.

 

Ông Lợi còn chia sẻ, trong tháng 9 và 10/2015, Bộ Công Thương sẽ tổ chức hai đoàn xúc tiến thương mại tại Nhật Bản, theo đó, đợt đầu tập trung cho nhiều ngành nghề, đợt hai dành cho các DN chuyên về công nghiệp hỗ trợ.

 

Cũng trong tháng 9, Bộ Công Thương tổ chức đoàn gồm 18 DN xúc tiến thương mại tại Ai Cập.

 

Nguồn: BÁO DOANH NHÂN SÀI GÒN ĐIỆN TỬ