gia tri12312slide3hoaslide6daoslide8sen
sologun

Việt Nam liên tục xuất siêu sang Nhật Bản

Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2014, tổng kim ngạch XNK hàng hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt khoảng 4,02 tỉ USD, tăng 15,1% so với cùng kì năm 2013. Trong đó, XK của Việt Nam đạt khoảng 2,2 tỉ USD, tăng 22,8% và NK 1,7 tỉ USD, tăng 6,3%.

Đặc biệt, qua theo dõi số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan những năm gần đây cho thấy, Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng cao về XK vào thị trường Nhật Bản. Theo số liệu thống kê được công bố gần đây của Tổng cục Hải quan, kim ngạch hàng hóa XNK giữa Việt Nam và Nhật Bản trong năm 2013 đạt  24,3 tỉ USD, tăng 2,4% so với năm 2012. Trong đó, Việt Nam đã XK sang thị trường này 13,65 tỉ USD, cao hơn 4,5% so với kết quả của một năm trước đó. Trong khi đó, NK hàng hóa từ Nhật Bản đạt trị giá 11,61 tỉ USD, hầu như không thay đổi so với năm 2012.  Tính từ năm 2009 đến năm 2013, XK hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đã tăng 2,15 lần và NK từ Nhật Bản chỉ tăng 1,55 lần. Điều đó giúp Việt Nam đạt được mức thặng dư trong cán cân thương mại hàng hóa với Nhật Bản. Năm 2011, Việt Nam xuất siêu 0,4 tỉ USD, sang năm 2012 con số này đã là 1,5 tỉ USD và năm 2013 trị giá đạt 2,04 tỉ USD, tăng mạnh tới 39% so với con số ghi nhận được trong năm 2012.

Những năm qua, Nhật Bản luôn là thị trường thương mại quan trọng của Việt Nam, chiếm tỉ trọng lên đến 10% trong tổng kim ngạch XNK của nước ta. Trong năm 2013, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản xếp thứ 4 trong số gần 240 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có hoạt động giao thương, trong đó, Nhật Bản là thị trường xếp thứ 2 về XK và xếp thứ 3 về NK.

Điểm đáng chú ý nữa là trong số 3 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Á gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, chúng ta chỉ tạo được lợi thế về xuất siêu vào thị trường đất nước “mặt trời mọc”, trong khi 2 đối tác còn lại Việt Nam chịu mức nhập siêu rất lớn. Cụ thể, trong năm 2013, Việt Nam nhập siêu 14,066 tỉ USD từ Hàn Quốc (XK đạt 6,631 tỉ USD, trong khi NK tới 20,697 tỉ USD), và con số nhập siêu từ Trung Quốc còn lớn hơn rất nhiều, 23,695 tỉ USD (XK đạt 13,259 tỉ USD, kim ngạch NK tới 36,954 tỉ USD).

Tuy nhiên, theo phân tích của Tổng cục Hải quan, những năm qua, hoạt động giao thương Việt Nam- Nhật Bản có những bước tăng trưởng khả quan và đáng ghi nhận nhưng nước ta vẫn chưa khai thác được tối đa tiềm năng của một trong những thị trường lớn nhất thế giới này. Tổng cục Hải quan dẫn số liệu được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công bố vào giữa tháng 9-2013 cho thấy, tổng kim ngạch XK hàng hóa trong năm 2012 của Nhật Bản sang tất cả các nước, vùng lãnh thổ đạt gần 799 tỉ USD, và NK lượng hàng hóa trị giá 886 tỉ USD. Như vậy, trị giá hàng hóa mà Việt Nam XK hay NK từ thị trường đầy tiềm năng này vẫn chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ, chưa đến 2% trong năm 2012.

Xét về cơ cấu mặt hàng, năm 2013, Việt Nam XK sang thị trường Nhật Bản chủ yếu là hàng dệt may, dầu thô, máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng, hàng thủy sản, gỗ & sản phẩm gỗ, sản phẩm từ chất dẻo, máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện... Trong khi đó, hàng NK của nước ta tập trung vào các nhóm hàng như: máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng, máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện, sắt thép & sản phẩm từ sắt thép, nguyên phụ liệu ngành dệt may da giày, sản phẩm từ chất dẻo... 

Năm 2013, Việt Nam có hoạt động thương mại với gần 240 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, có 3 thị trường hàng XK có kim ngạch trên 10 tỉ USD (chiếm 38% tổng kim ngạch XK cả nước) là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và 3 thị trường NK trên 10 tỉ USD (chiếm 52% trong tổng kim ngạch NK cả nước) là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Theo Báo Hải qua