gia tri12312slide3hoaslide6daoslide8sen
sologun

Tăng cước, phí vận tải biển có thể phải báo trước 30 ngày

 

 

Cơ quan quản lý cũng cho biết sẽ chỉ chấp nhận các loại cước, phụ phí được công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp và Cục Hàng hải.

Đây là những nội dung đáng chú ý trong dự thảo quyết định của Thủ tướng về công bố biểu cước vận tải biển, biểu giá dịch vụ cảng mà Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến. Giải pháp được đưa ra nhằm giải quyết các bất cập về việc chủ tàu nước ngoài tự ý thu nhiều phụ phí, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Theo dự thảo, doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển, cảng sẽ phải công bố biểu cước vận tải container, biểu giá dịch vụ cảng biển, bến thủy nội địa. Thông tin này phải có trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp và Cục Hàng hải Việt Nam và có hiệu lực kể từ ngày doanh nghiệp công bố. Trường hợp tăng cước và phụ cước, hiệu lực được tính sau 30 ngày từ lúc công bố.

Theo Bộ Giao thông hiện nay các chủ tàu nước ngoài hoạt động ở Việt Nam đang tự đặt ra nhiều loại phụ cước mà không được đăng ký, như phụ cước dịch vụ container, phụ cước tắc nghẽn hàng hoá tại cảng, cước mất cân đối container giữa hai đầu bến, cước vệ sinh container...

Với khoảng 40 hãng tàu biển nước ngoài đang hoạt động, đảm nhận khoảng 88% hàng hoá xuất nhập khẩu, nhiều ý kiến cho rằng việc các chủ tàu thu thêm phụ phí khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Theo tính toán của Hiệp hội Da giầy, tiền phụ phí chiếm 1% kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong ngành, tương đương khoảng 110 triệu USD. Mức phí cũng tăng trung bình khoảng 20% mỗi năm.

“Đây là chi phí rất lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh đối với ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam và thiệt hại cho nền kinh tế đất nước”, Bộ Giao thông nhận định.

Theo Cục Hàng hải, các chủ hàng Việt Nam đang phải trả cho các hãng tàu nhiều loại phụ cước, vốn không được quy định rõ ràng trong hợp đồng. Điều đó dẫn đến một số bất cập như không có sự đồng thuận giữa hãng tàu và chủ hàng, các loại phụ cước bị chủ tàu áp đặt. Các đơn vị này cũng không báo trước, không công khai các thành phần, yếu tố tính cước...

Trong khi đó, đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc quản lý, kiểm tra giám sát việc thu cước, phụ cước vận tải biển và giá dịch vụ cảng của hãng tàu nói chung và của các hãng tàu nước ngoài nói riêng. Vì vậy, Bộ Giao thông khẳng định để giải quyết các bất cập nêu trên, việc ban hành quy định về công bố biểu cước là cần thiết.

Trước đó, câu chuyện phí cước vận tải container từng gây bức xúc nhiều năm qua cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đỉnh điểm là tại diễn đàn Quốc hội gần nhất, đại biểu Nguyễn Phi Thường dẫn báo cáo của Bộ Tài chính cho rằng tình trạng thu phụ phí vô tội vạ nêu trên có nguyên nhân do sự kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước. Ông Thường dẫn chứng có rất nhiều trong số 70 loại phụ phí được thu vô lý, không tương xứng với chi phí thực tế mà các hãng tàu phải gánh chịu.

 

Các loại phụ cước và giá dịch vụ phải công bố (theo dự thảo) bao gồm: 

- Phụ cước nhiên liệu là chi phí do biến động của giá nhiên liệu chạy tàu vận tải biển, thay đổi theo từng thời kỳ. 

- Phụ cước thao tác container tại cảng (THC) là chi phí xếp dỡ container và các chi phí thao tác container khác tại cảng biển, cảng, bến thủy nội địa cho tàu nước ngoài hoạt động. 

- Phụ cước biến động tiền tệ là chi phí do biến động tỷ giá tiền tệ.

- Giá dịch vụ niêm chì là chi phí sản xuất, vận chuyển, quản lý niêm chì phục vụ cho việc đóng hàng xuất tại Việt Nam.

- Giá dịch vụ lưu bãi hàng nhập là chi phí chủ hàng phải trả cho việc chiếm dụng bãi xuất/nhập tại cảng quá thời hạn qui định.

- Giá dịch vụ chứng từ hàng xuất là chi phí hoàn tất các chứng từ hàng xuất theo yêu cầu của khách hàng, hải quan và các cảng nước ngoài.

- Giá dịch vụ chứng từ hàng nhập là chi phí hoàn tất các chứng từ hàng nhập theo yêu cầu của khách hàng, hải quan và các cảng nước ngoài.

- Giá dịch vụ điện giao hànglà chi phí giao hàng bằng điện thay vì bằng vận đơn gốc như thông lệ, rút ngắn thời gian và chi phí cho khách hàng.

- Giá dịch vụ đổi vận đơn là chi phí đổi vận đơn tại Việt Nam theo yêu cầu của khách hàng. 

- Giá dịch vụ chỉnh sửa lược khai hàng hóa là chi phí chỉnh sửa nội dung lược khai hàng hóa. 

 - Giá dịch vụ đổi cảng là chi phí phát sinh khi khách hàng yêu cầu thay đổi cảng xuất.

- Giá dịch vụ cấp phát chứng thư là chi phí thực hiện dịch vụ cấp phát chứng thư theo yêu cầu của khách hàng.

- Giá dịch vụ phạt thanh toán chậm chi phí phạt khách hàng chậm thanh toán tiền cước, phụ cước và chi phí liên quan.

- Giá dịch vụ vệ sinh container là chi phí cho việc làm vệ sinh container.

- Giá dịch vụ chiếm dụng container là chi phí khách hàng phải trả cho việc chiếm giữ container quá thời gian quy định.

- Giá dịch vụ truy xuất chứng từ quá niên hạn là chi phí khách hàng phải trả cho yêu cầu truy xuất dữ liệu cũ.

 

Theo VnExpress.