gia tri12312slide3hoaslide6daoslide8sen
sologun

Rộng cửa cho hàng Việt vào Nga

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu được ký kết vào cuối tháng 5-2015 vừa qua được ví như cánh cửa mở toang cho hàng hóa của Việt Nam vào Liên bang Nga. Thuận lợi là rất lớn, nhưng theo một số doanh nghiệp, con đường phía trước vẫn có những gập ghềnh.

Cơ hội cho hàng Việt

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu gồm các nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan chỉ còn vài tháng nữa là có hiệu lực. Tổng khối này có dân số 182 triệu người và GDP năm 2014 đạt hơn 2.200 tỉ đô la Mỹ.

Với hiệp định được ký kết dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2016, dự báo các mặt hàng chủ lực của Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi xuất khẩu khi Liên minh kinh tế Á - Âu cam kết cắt giảm 82% dòng thuế cho hàng dệt may Việt Nam, 77% dòng thuế cho giày dép, 95% cho thủy sản, 76% cho đồ gỗ... Đáng chú ý là việc giảm thuế nhập khẩu đến 0% đối với các mặt hàng áo khoác, váy, đồ thể thao, giày thể thao và một số loại giày dép khác.

Phát biểu tại hội nghị về xúc tiến đưa hàng Việt vào thị trường Nga diễn ra tại TPHCM mới đây với sự tham dự của gần 200 doanh nghiệp, ông Nikolay Kapustkin, Phó trưởng đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam, cho rằng từ hiệp định này, Liên minh kinh tế Á - Âu đang trông đợi sự gia tăng khối lượng các mặt hàng dệt may, giày dép, trang sức, đồ gỗ nội thất, thủy sản, rau củ quả của Việt Nam nhập khẩu vào Nga, bên cạnh sự gia tăng đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp Việt vào hoạt động sản xuất tại nước này ở các lĩnh vực như dệt may, chế biến thực phẩm, hạ tầng dịch vụ logistics, kho bãi...

Theo ông Nguyễn Cảnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Trung tâm thương mại Hà Nội - Mátxcơva (Incentra), trước đây, người Nga muốn sử dụng hàng châu Âu nhưng với việc đồng rúp bị suy yếu thì nhiều người dân Nga hiện muốn sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao. Hiện Incentra đang xúc tiến giới thiệu với 12.000 đơn vị bán lẻ hàng hóa tại Nga để họ có thể đến tìm hiểu và ký hợp đồng mua hàng với đối tác Việt Nam tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới đây tại Moscow. Việc này nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tạo chân rết ở thị trường Nga và gia tăng lợi nhuận cho cả đôi bên khi “mua tận gốc, bán tận cành”.

Yếu tố thuận lợi khác nữa là về điều kiện thanh toán và vốn hỗ trợ doanh nghiệp xuất hàng sang thị trường Nga. Theo ông Lê Đào Nguyên, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), hiện BIDV có chương trình tài trợ vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang Liên bang Nga với lãi suất thấp hơn thị trường 1-1,5%. Ngoài ra, BIDV cũng đang tài trợ vốn cho doanh nghiệp mua - thuê văn phòng tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Mátxcơva. BIDV cũng hỗ trợ lãi suất cho hoạt động đầu tư sản xuất tại một khu công nghiệp cách thủ đô Moscow khoảng 50 ki lô mét.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho biết vào giữa tháng 9 tới đây, TPHCM sẽ tổ chức một đoàn xúc tiến thương mại, du lịch tại Nga với nhiều hoạt động như hội thảo, tổ chức trao đổi trực tiếp giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Nga và doanh nghiệp Việt đang làm ăn tại Nga nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận các cơ hội làm ăn.

Ngoài ra, hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao 2015 tại Moscow sẽ diễn ra từ ngày 12-11 đến 12-12-2015 tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Mátxcơva.

Cũng tại hội nghị nêu trên, ông Nguyên cho biết: “Ngoài các chương trình thanh toán bằng ngoại tệ mạnh, BIDV đang triển khai chương trình thanh toán bằng nội tệ song phương, nghĩa là hàng Việt xuất sang Nga sẽ thu tiền đồng, còn hàng nhập khẩu vào Việt Nam từ Nga thì đối tác Nga sẽ thu đồng rúp”.

Bà Lê Thị Hà Chi, Giám đốc thương hiệu Novelty của Tổng công ty May Nhà Bè, cho biết công ty này đang ráo riết cử người khảo sát thị trường Nga để tìm hiểu về chủng loại, phân khúc hàng hóa. Lâu nay, hàng của công ty vào thị trường Nga thông qua các đại lý chứ chưa trực tiếp. Sắp tới, công ty sẽ tham gia hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tại Moscow để tạo bước đệm cho việc xuất khẩu hàng trực tiếp vào đây.

Hiện nay, các mặt hàng dệt may Việt Nam vào Nga đang chịu mức thuế nhập khẩu 10% và thuế giá trị gia tăng là 18%. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm may mặc sẽ được miễn thuế nhập khẩu vào lãnh thổ Liên minh kinh tế Á - Âu khi hiệp định thương mại tự do có hiệu lực.

“Kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may hàng năm của Nga rất lớn, lên đến 40-50 tỉ đô la Mỹ, nên cơ hội cho hàng Việt là rất nhiều. Ngoài ra, đây là thị trường mới mẻ mà hàng dệt may Việt Nam chưa thâm nhập nhiều. Người tiêu dùng ở Nga cũng không quá khắt khe trong khi chất lượng hàng Việt thì hoàn toàn đảm bảo, nếu biết cách khai thác sẽ có khả năng thắng lớn”, bà Chi nhận định.

Còn những gập ghềnh

Thuận lợi là thế, nhưng cũng theo bà Chi, cho dù thuế giảm thì chi phí vận chuyển hàng hóa là một vấn đề mà doanh nghiệp đang rất quan tâm. Do thời gian vận chuyển hàng từ Việt Nam sang Nga khá lâu (bằng đường tàu biển phải mất ít nhất 50 ngày) nên chi phí vận chuyển khá cao. Nếu so sánh, một container hàng dệt may 20 feet qua Mỹ, châu Âu có chi phí vận chuyển khoảng 1.000-1.200 đô la Mỹ, còn sang Nga phải mất từ 3.000 - 3.400 đô la Mỹ. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến hàng dệt may Việt Nam lâu nay chưa thể bứt phá vào thị trường Nga vì khó cạnh tranh với hàng của các nước khác, đặc biệt là hàng từ Trung Quốc vào Nga theo đường tiểu ngạch.

Đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào Liên minh kinh tế Á - Âu khi hiệp định thương mại giữa hai bên có hiệu lực, theo ông Nikolay Kapustkin, để hạn chế rủi ro từ hàng nhập khẩu có xuất xứ bên ngoài Việt Nam nhưng “núp bóng hàng Việt”, hiệp định cũng đã quy định các nguyên tắc chặt chẽ về xuất xứ hàng hóa.

Bà Bùi Thanh An, Cục phó Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương, nhận định hầu hết các doanh nghiệp khi bước vào thị trường mới đều không khỏi lo lắng vì chưa nắm đường đi nước bước trong vận chuyển hàng hóa, thủ tục hải quan..., chưa kể những rào cản về ngôn ngữ, sự am hiểu tập quán, văn hóa tiêu dùng của người địa phương khi mà họ chưa có sẵn “đầu mối” tại chỗ giúp tiếp cận thị trường. Bà khuyên: “Đừng đợi tới khi hiệp định có hiệu lực mới lo tiếp cận thị trường, ngay bây giờ, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ nội dung hiệp định: các quy định, các cam kết, thông tin về biểu thuế suất... Tuy đây không hẳn là thị trường khó tính nhưng các doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo duy trì chất lượng hàng hóa”.

Trao đổi với TBKTSG hồi cuối tuần qua, bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Cá Sấu Việt Phong tại TPHCM, cho biết bà vừa trở về từ chuyến tìm hiểu thị trường Nga. Công ty đã ký hợp đồng thuê gian hàng trưng bày sản phẩm rộng 160 mét vuông tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Mátxcơva tại Nga, dự kiến vào tháng 9 tới đây, công ty sẽ đưa lô hàng đầu tiên gồm các mặt hàng túi xách, thắt lưng bằng da cá sấu sang Nga để thăm dò thị trường, tìm kiếm đối tác tiêu thụ.

Theo Incentra, các sản phẩm như túi xách tay làm bằng da nguyên chất, thắt lưng làm bằng da động vật có sừng, thắt lưng bằng da đắt tiền (cá sấu, đà điểu...) sẽ được miễn thuế nhập khẩu (giảm từ mức 10-16,3% về mức 0%) ngay sau khi hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực.

Nguồn: TBKTSG