gia tri12312slide3hoaslide6daoslide8sen
sologun

Quản không được thì siết?

 

 

Các DN choáng với quy định mới của Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục hải quan các địa phương kiểm tra thực tế 100% các lô hàng phế liệu nhập khẩu...

Chưa kịp “hoàn hồn” với những bất cập trong vấn đề xử lý các lô hàng phế liệu nhập khẩu do thông tư hướng dẫn nghị định 38 chưa có (Tuổi Trẻ ngày 3-7), các doanh nghiệp (DN) lại choáng váng với công văn 6037 của Tổng cục Hải quan (ngày 1-7).

Trong đó yêu cầu cục hải quan các địa phương phải kiểm tra thực tế 100% các lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Việc kiểm tra thực tế hàng hóa được thực hiện tại hải quan cửa khẩu nhập, không được chuyển về nhà máy, cơ sở sản xuất để kiểm tra. Đồng thời, doanh nghiệp phải trưng cầu giám định về các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Kết quả kiểm tra, kết quả giám định là cơ sở để giải quyết thủ tục hải quan.

“Chúng tôi đã quá mệt mỏi với việc thủ tục chồng chéo, làm tăng chi phí cho DN trong thời gian qua do phải chờ thông tư hướng dẫn. Bây giờ cơ quan quản lý lại còn ban hành thêm các quy định chẳng khác gì trói tay trói chân DN. Làm vậy sao chúng tôi sống nổi?” - ông N.Đ.Q., phụ trách logistics Công ty CP giấy M, bức xúc.

Theo ông Q., hằng tháng công ty phải nhập khoảng 500 container giấy phế liệu (trung bình 17 container/ngày). Nếu bắt buộc phải kiểm tra 100% như yêu cầu, công ty buộc phải chuyển hàng từ bãi trung tâm vào bãi kiểm hóa (và ngược lại), làm phát sinh chi phí vận chuyển, nâng hạ container, ước khoảng 1 - 1,2 triệu đồng/container.

Riêng chi phí này sẽ làm DN “bốc hơi” 500 - 600 triệu đồng/tháng. Nếu hải quan yêu cầu phải qua máy soi, DN lại mất thêm khoảng 780.000 đồng/container cho chi phí soi container. Với tổng chi phí logistics đội thêm như vậy, giá nguyên liệu nhập khẩu chưa đưa vào sản xuất, “chưa gì đã tăng thêm khoảng 2% so với trước một cách rất vô lý” - ông Q. nói.

Mất tiền đã đành, nhưng yêu cầu DN “phải trưng cầu giám định về các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Kết quả kiểm tra, kết quả giám định là cơ sở để giải quyết thủ tục hải quan” mới làm các DN bức xúc hơn cả (theo quy định cũ, DN không cần phải giám định). Bởi để giám định hàng phế liệu nhập khẩu, phải mất 30 - 60 ngày mới có kết quả, chi phí giám định khoảng 400.000 đồng/container.

“Nếu chờ kết quả giám định rồi mới cho thông quan và mang hàng về kho, DN không biết khi nào mới có nguyên liệu sản xuất? Mà chi phí lưu container sẽ lên đến hàng tỉ đồng tại cảng ai sẽ trả cho DN? Chẳng ai cả, ngoài DN phải chịu thiệt” - ông Nguyễn Thế Vũ, chuyên viên pháp lý của Công ty CP Giấy Sài Gòn (SGP), cho biết.

Chưa hết, theo ông Vũ, nếu đồng loạt tất cả các nguyên liệu là phế liệu đều giám định và giám định theo từng container, việc quá tải cho các tổ chức giám định là tất yếu. Từ đó, thời gian có kết quả giám định chắc chắn phải kéo dài hơn so với trường hợp thông thường là 30 - 60 ngày như hiện nay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thông tư hướng dẫn cho nghị định 38 vẫn đang trong quá trình... dự thảo. Nhưng thay vì yêu cầu DN phải có “giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu” như quy định cũ, dự thảo mới lại đổi tên thành “giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu”!

Nghĩa là tiếp tục phải có giấy phép. Nói cách khác, thay vì DN chỉ cần dùng một giấy phép (như quy định cũ) để thực hiện công tác nhập khẩu phế liệu, bây giờ DN bị bắt buộc thực hiện tới “4 món”: phải ký quỹ, phải xin giấy phép, phải kiểm tra thực tế 100% và phải thực hiện giám định.

Theo Tuổi trẻ Online.