gia tri12312slide3hoaslide6daoslide8sen
sologun

Trung Quốc tính kế độc chiếm cảng cửa ngõ châu Âu

Chính phủ Hy Lạp đã chấp nhận bán cổ phần cảng Piraeus cho Công ty vận tải hàng hải Trung Quốc.

Sau một thời gian dài do dự, giờ đây, Chính phủ Hy Lạp chấp nhận bán cổ phần cảng Piraeus và Công ty vận tải hàng hải Trung Quốc (COSCO) là nhà đầu tư có triển vọng nhất, muốn mua lại toàn bộ và đẩy Piraeus lên ngang hàng với cảng Hamburg, Rotterdam.

Hai thế giới song hành

Trên đường đến khu cảng hàng hóa, có một tấm biển nhỏ ở ngã ba đường. Một đường dẫn tới Bến xếp dỡ số 1 thuộc công ty nhà nước OLP; đường kia đến Bến xếp dỡ số 2 và 3 thuộc Công ty PCT (Piraeus Conteiner Terminal) - Công ty con của COSCO.

Fu Cheng Qui, thường được gọi là Thuyền trưởng Fu, Giám đốc điều hành của COSCO tại Piraeus, chỉ tay ra cửa sổ nói: “Hãy nhìn xem”. Bên ngoài giống như một buổi trình diễn: 11 dàn cẩu hoạt động liên tục. Tất cả đều là dàn cẩu mới được sản xuất tại Trung Quốc. Xe tải di chuyển đến chỗ dỡ hàng hóa được quy định sẵn và dời đi chỉ sau vài phút. Những ngày này, hầu hết xe tải đều đi vào con đường nối với Bến xếp dỡ số 2 và 3. Cách đó mấy trăm mét, cảng xếp dỡ số 1 vắng vẻ, chẳng có chiếc tàu nào cập bến.

Hiện tại, Hy Lạp và Trung Quốc vẫn đang cùng khai thác khách hàng là Công ty vận tải container MSC, tuy nhiên việc kinh doanh này cũng bắt đầu sụp đổ. Kể từ khi MSC và Maersk - hai công ty vận tải biển lớn nhất thế giới sáp nhập và trở thành 2M Alliance vào tháng 1/2015, tất cả các container của họ đều được xếp dỡ ở bến cảng số 2 thuộc COSCO.

Năm 2008, COSCO chính thức có quyền khai thác cảng xếp dỡ số 2 trong vòng 30 năm sau khi trả 490 triệu euro cho Chính phủ. Sau đó, họ tiếp tục được khai thác thêm 5 năm và giấy phép xây dựng cảng xếp dỡ số 3. Cựu Bộ trưởng Hàng hải Hy Lạp, ông Miltiadis Varvitsiotis khẳng định rằng, việc tư nhân hóa một phần cảng biển là một trong những khoản đầu tư quan trọng và mang lại nhiều lợi nhuận nhất trong vòng vài năm qua.

Trong 4 năm mở rộng, COSCO đã nâng lượt container xếp dỡ tại cảng lên gấp 4 lần, khoảng 3 triệu container/năm. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, năng lực xếp dỡ hàng năm sẽ tăng lên 6,2 triệu container vào năm 2016. Cùng với bến xếp dỡ số 1, con số đó sẽ đưa Piraeus lên ngang hàng với những cảng lớn nhất ở châu Âu như: Hamburg, Antwerp và Rotterdam.

Cửa ngõ tiến vào châu Âu

Khi ông Fu muốn tiếp quản bến cảng số 2 vào tháng 10/2009, người Athen chào mừng ông bằng tấm băng rôn: “COSCO hãy cút đi”. Công đoàn khẳng định rằng, cảng biển này sẽ bị người Trung Quốc cướp mất nên đã tiến hành biểu tình trong 6 tuần liên tiếp.

Đến thời điểm này, COSCO đang bỏ thầu cao hơn giá thị trường. Mỗi năm, công ty này chuyển xấp xỉ 30 triệu euro cho Chính phủ. Khoản tiền này rõ ràng cao hơn nhiều so với việc tự kinh doanh. Để hoàn thành việc xây dựng cảng nước sâu ở bến xếp dỡ số 3 và hiện đại hóa hệ thống dàn cẩu, COSCO dự kiến sẽ đầu tư thêm nửa tỷ euro nữa.

Người Trung Quốc nghĩ về tương lai xa hơn nhiều khi đầu tư vào Piraeus - cảng biển gần Địa Trung Hải và kênh đào Suez nhất. Từ đây, Trung Quốc có thể chiếm lĩnh thị trường châu Âu. Khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến thăm cảng này vào tháng 6/2014, đã ví Piraeus như cửa ngõ được mở ra cho Trung Quốc tiến vào châu Âu, các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này sẽ tới được Đức, Hungary, Áo trong 7-11 ngày.

Cuối tháng 3/2015, Phó thủ tướng Hy Lạp Giannis Dragasakis công du Trung Quốc và tuyên bố Chính phủ vẫn muốn tư nhân hóa phần lớn cảng biển Piraeus. Quá trình xét thầu sẽ được hoàn thành trong vòng vài tuần. Nhưng ngay sau đó, Thứ trưởng Bộ Hàng hải Theodoros Dritsas lại tuyên bố trái ngược: “Những tài sản quốc gia quan trọng mang tính chiến lược không được phép tư nhân hóa”.

Giá trị của cảng Piraeus trên thị trường khoảng 270 triệu euro. Với lượng khách lên tới 18 triệu lượt người/năm, Piraeus cũng là cảng vận chuyển hành khách lớn nhất châu Âu. Nếu tư nhân hóa, giá bán cảng chắc chắn sẽ cao hơn giá thị trường. Đảng cầm quyền hi vọng sẽ bán được khoảng 500 triệu euro để có tiền trả cho các chủ nợ. Bên cạnh COSCO, còn có nhiều doanh nghiệp khác từ Đan Mạch, Philippines, Mỹ, Tiểu vương Quốc Arab muốn tham gia đấu thầu cảng. Nếu COSCO chiến thắng, Piraeus sẽ hoàn toàn nằm trong tay người Trung Quốc.

Thực ra, việc bán Piraeus là một nghịch lý chính trị đối với Thủ tướng Alexis Tsipras. Trước đây, vào năm 2008, chính ông là người đứng bên cạnh những người biểu tình với biểu ngữ “COSCO hãy cút đi”. Đến khi trở thành Thủ tướng Hy Lạp, ông đã làm tất cả mọi điều có thể để những người như ông Fu cảm thấy thoải mái như ở nhà. Đó là một trong những bi kịch mà Tsipras đang phải đối mặt. 

Theo báo Giao thông.