gia tri12312slide3hoaslide6daoslide8sen
sologun

Nông sản Việt đóng gói tại... Trung Quốc trước khi vào Mỹ

Trong một siêu thị đông đúc ở khu Little Japan, giữa trung tâm thành phố Los Angeles (California, Mỹ), tôi cảm thấy tự hào khi nhìn thấy sản phẩm nhãn tươi có xuất xứ từ Việt Nam có mặt cùng các “cường quốc” hoa quả khác trên kệ siêu thị. Nhưng khi lật đằng sau vỉ nhãn đã đóng gói, một dòng chữ đập vào mắt tôi “Produce of China” (sản xuất/đóng gói tại Trung Quốc).

Hàng Việt phải mượn tiếng nhà sản xuất ngoại

Little Japan là một khu mua sắm, du lịch khá sầm uất ở thành phố sầm uất bậc nhất California. Hàng hóa ở đây phần lớn có nhãn mác của Nhật Bản (nhất là hàng thực phẩm, tiêu dùng, mỹ phẩm). Sản phẩm nước ngoài lọt được vào tới đây chủ yếu là hoa quả, gạo nhưng hầu hết xuất xứ từ Mexico, Thái Lan. Vì thế, khi nhìn thấy quả nhãn Việt Nam, tôi cảm thấy mừng như gặp... đồng hương.

Thế nhưng, nỗi vui mừng ấy nhanh chóng nhường chỗ cho sự hụt hẫng khi thấy hàng được đóng gói tại Trung Quốc. Vỉ nhãn tươi này có giá 6,99 USD/pound (hơn 15 USD/kg, tương đương 330.000 đồng/kg. Với giá lên tới cửa khẩu (chẳng hạn như Tân Thanh - Lạng Sơn) để đi đường vòng sang Trung Quốc trước khi xuất khẩu, có lẽ cả nông dân lẫn chủ hàng thu gom xuất khẩu chỉ đạt ở mức khoảng 30.000 đồng/kg, chưa bằng 1/10 giá bán ở đây.

Trên đường phố New York có khá nhiều quả mận (roi) ghi nguồn gốc là Việt Nam nhưng chủ hàng cũng cho biết nhập qua Thái Lan, Trung Quốc. Ngay cả thanh long, loại hoa quả được xuất thẳng sang Mỹ khá nhiều, nhưng theo anh Nguyễn Minh- một chủ doanh nghiệp Việt kiều chuyên phân phối hàng nông sản, hoa quả vào khối khách sạn ở San Francisco- thì hầu hết đơn hàng anh nhập qua Trung Quốc, lý do đơn giản là hàng được bảo quản tốt hơn và vận chuyển nhanh hơn.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2014, Việt Nam “cán đích” đưa 2.000 tấn thanh long sang Mỹ nhưng Việt Nam và các nước Đông Nam Á nói chung vẫn xuất khẩu tới 80% sản lượng thanh long sang Trung Quốc (và được nhấn mạnh chủ yếu xuất qua đường tiểu ngạch). Từ đó, thanh long được xử lý nhanh (chiếu xạ) rồi lại tiếp tục lên tàu để sang Mỹ và nhiều thị trường khác.

Nói về việc hoa quả Việt Nam phải đi đường vòng sang Trung Quốc, anh Minh cho rằng đó là chuyện đương nhiên. Theo anh Minh, tại Việt Nam, thanh long mất một thời gian từ nhà vườn tới công ty xuất khẩu, rồi đi đường biển mất ít nhất 15 ngày (trung bình từ 17-20 ngày), sau đó bán trong siêu thị mất 7-10 ngày. Tổng thời gian trái thanh long đến người tiêu dùng Mỹ mất khoảng 25 ngày, trong khi hiện nay với công nghệ bảo quản hiện đại, loại này cũng chỉ duy trì chất lượng tốt trong vòng 30-35 ngày.

“Trong khi đó, thương nhân Trung Quốc nhập hàng rất ráo riết, nhiều vùng hàng nông sản của Việt Nam họ xác định mua để chế biến xuất khẩu thì họ cử hẳn người đi thu mua hoặc đại lý đi thu mua, xử lý rất nhanh, vận chuyển nhanh và rút ngắn thời gian giao hàng”- anh nói.

Người trồng “ăn” ít, người chế biến “ăn” nhiều

Tương tự, hạt điều Việt Nam khá nổi tiếng trên thế giới. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, năm 2014 là năm thứ 9 liên tiếp Việt Nam dẫn đầu thế giới về xuất khẩu điều và là năm đầu tiên xuất khẩu được khoảng 306.000 tấn nhân điều, đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỉ USD. Thế nhưng, tại khu chợ trong nhà ga trung tâm của thành phố New York (Grand Central Market), tôi nhìn thấy hạt điều có ghi xuất xứ từ Việt Nam nhưng nhà sản xuất lại là Eli Zabar ở Mỹ.

Với sản phẩm này, có thể thấy rõ ràng hàng Việt Nam được xuất thô cho các nhà chế biến chứ chưa thể lên ngay kệ siêu thị được. So sánh về giá thì sản phẩm qua chế biến của Eli Zabar được bán với giá 19,99 USD/pound (khoảng 44 USD/kg, tương đương gần 1 triệu đồng/kg), trong khi xuất khẩu điều nhân ở Việt Nam hàng loại tốt nhất mới được giá 9-10 USD/kg. Như vậy cả nông dân lẫn doanh nghiệp sơ chế điều nhân ở Việt Nam chỉ có phần tí ti lợi nhuận trong số 10 USD ít ỏi, còn nhà sản xuất thành phẩm và phân phối chiếm tới ¾ khoản tiền còn lại.

TS Lương Ngọc Trung Lập (Viện Cây ăn quả miền Nam -Sofri) thừa nhận thực tế vẫn còn tình trạng xuất khẩu trái cây dưới nhãn mác và bao bì của khách hàng nước ngoài. “Mỹ là thị trường khó tính, chấp nhận trả giá cao nhưng luôn đòi hỏi rất nghiêm ngặt về tiêu chuẩn và an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, các nước có ưu thế vận chuyển hàng nhanh, tươi, an toàn thì sẽ có nhiều “cửa” vào Mỹ”.

Với các loại hoa quả chất lượng cao, trong khi Việt Nam loay hoay đi đường biển hay đường hàng không vì lý do giá cả (đi đường biển chi phí thấp nhưng thời gian dài, hầu hết hoa quả đã xuống cấp), thì theo anh Nguyễn Minh nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng cho hàng đi máy bay: “Họ có đường bay thẳng nên chi phí hàng hóa vận chuyển hàng không có cao hơn nhưng không quá đắt đỏ như từ Việt Nam, đồng thời họ cũng bán được giá cao hơn”- anh Minh phân tích.

Với các loại hoa, quả chế biến của Việt Nam, anh Minh chia sẻ nếu chúng ta không đầu tư công nghệ chế biến thì những sản phẩm như hạt điều nói trên sẽ còn rất nhiều. Và lúc đó không thể “kêu” được ai khi miếng bánh thị phần chế biến chúng ta đã bỏ qua.

 

 Theo Bộ Công Thương, trong 10 thị trường xuất khẩu rau quả chính của Việt Nam, Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu, chiếm 28,6% thị phần, tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ nhưng với thị phần rất nhỏ lần lượt là 4,74%, 3,76% và 3,44%. 

 

 Theo nghiên cứu của Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri), năm 2011, Mỹ nhập khẩu trái cây khoảng 10,92 tỉ USD, các chủng loại trái cây chủ yếu là chuối (21,3%), nho (11,3%) và các loại trái cây nhiệt đới (35,2%) như dứa, xoài, đu đủ, bơ, ổi, nhãn, sầu riêng, chôm chôm, thanh long... 

 

Tận dụng lợi thế  cạnh tranh

Sản phẩm có lẽ xuất khẩu trực tiếp và là “produce in Vietnam” (sản xuất tại Việt Nam) thực sự mà tôi nhìn thấy trong các siêu thị Mỹ là chôm chôm. Tuy bị cạnh tranh mạnh với hàng Thái Lan, Mexico nhưng chôm chôm Việt Nam với lợi thế sản xuất được sản phẩm trái vụ nên có thể xuất khẩu thẳng được sang Mỹ mà không phải “vòng vèo”.

Chị Nguyễn Tuyết Hoa - một Việt kiều tại Los Angeles chia sẻ, một số loại hoa quả nhiệt đới như dừa, chuối xuất khẩu sang Mỹ không cần phải chiếu xạ nhưng ít khi chị thấy hàng Việt Nam. “Tôi thấy dường như các doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam cứ lao theo các loại hàng có sản lượng nhiều ở Việt Nam mà ít để ý tới những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh”- chị Hoa nói.

Nhận định của chị Hoa cũng trùng với gợi ý của Nguyễn Hữu Đạt - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2: “Các doanh nghiệp cần tận dụng tốt sản phẩm đương nhiên được vào Mỹ như dừa; tăng cường xuất khẩu chuối sang Mỹ và Nhật Bản bởi chuối vốn chỉ đòi hỏi thu hoạch sản phẩm ở giai đoạn quả còn xanh, không phải chiếu xạ hoặc xử lý hơi nước nóng”.

Theo Người lao động.