gia tri12312slide3hoaslide6daoslide8sen
sologun

GIỮ ĐÀ TĂNG TRƯỞNG XUẤT KHẨU

Bộ Công thương vừa cho biết, bảy tháng qua, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) ước đạt 92,3 tỷ USD, tăng 9,5% so cùng kỳ năm 2014; kim ngạch nhập khẩu (KNNK) ước đạt gần 95,639 tỷ USD, tăng 16,4% so cùng kỳ năm 2014; nhập siêu gần 3,4 tỷ USD, bằng 3,7% tổng KNXK. Nhìn lại những tháng đầu năm, nhập siêu có thời điểm đã lên tới 4,8% KNXK, gần chạm ngưỡng 5% mà Quốc hội đã giao. Nhưng tính chung bảy tháng qua, con số này đã giảm còn 3,5%.

 

Nhập khẩu hàng hóa của nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 84,35 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 88,2% KNNK, chủ yếu tập trung vào nhóm các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất. Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu có KNNK ước đạt 3,81 tỷ USD, tăng 9,9% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 3,9% KNNK. Nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu ước gần 3,5 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ, nhưng chỉ chiếm tỷ trọng 3,6% KNNK.

 

Theo Bộ Công thương, muốn đạt mức tăng trưởng KNXK 10% so năm 2014 theo mục tiêu đề ra thì mỗi tháng, KNXK phải đạt ít nhất 13,5 tỷ USD trở lên. Hơn nữa, theo quy luật thông thường, KNXK sáu tháng đầu năm chỉ đạt dưới 50%. Với việc đơn hàng sẽ tăng mạnh vào cuối năm, nhập khẩu dự kiến không có nhiều biến động, thì mục tiêu bảo đảm tăng trưởng KNXK 10% và tỷ lệ nhập siêu dưới 5% KNXK là khả thi.

 

Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu nêu trên thì nhiệm vụ đặt ra đối với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp là hết sức nặng nề, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục chắc chắn, sức mua và giá nhiều mặt hàng xuất khẩu có xu hướng giảm, thậm chí có mặt hàng giảm rất mạnh, chưa kể cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt. Vì vậy, muốn kiểm soát tốt nhập siêu thì quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh xuất khẩu; phát triển, khơi thông thị trường xuất khẩu; hỗ trợ sản xuất, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Để hạn chế nhập siêu thì cần kiểm soát các mặt hàng tiêu dùng không cần thiết, không khuyến khích nhập khẩu, nhất là hạn chế nhập khẩu ô-tô (cả xe con và ô-tô tải). Các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng, DN triển khai đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là tập trung nhóm hàng nông sản, thủy sản trong những tháng còn lại của năm 2015 và các năm tiếp theo như các giải pháp về quy hoạch, phát triển sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm; nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tận dụng các cơ hội thị trường, các giải pháp liên quan đến đàm phán mở rộng và tháo gỡ các rào cản thị trường.

 

Đẩy mạnh tuyên truyền, tranh thủ tận dụng mọi lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam vừa ký kết hoặc kết thúc đàm phán với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á-Âu, EU mang lại. Theo dõi và cảnh báo sớm nguy cơ hàng xuất khẩu của Việt Nam bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để chủ động đối phó, ngăn chặn; chủ động tham mưu các giải pháp để giải quyết vấn đề này. Tích cực phối hợp đồng bộ các địa phương, lực lượng chức năng trong việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái.

 

Nguồn: Báo Nhân Dân