gia tri12312slide3hoaslide6daoslide8sen
sologun

Để hàng Việt đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu vào Hàn Quốc

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên trong số các Hiệp định FTA song phương giữa Việt Nam với các đối tác kinh tế đã cơ bản hoàn tất đàm phán năm 2014, được chính thức ký kết trong năm nay.

Với nội dung đã được thỏa thuận, dự kiến Hiệp định sẽ mang lại những tác động tích cực về nhiều mặt đối với Việt Nam. Tuy nhiên, bày tỏ với phóng viên TTXVN, nhiều đơn vị băn vẫn khoăn về những tác động của Hiệp định này đối với hoạt động kinh doanh xuất khẩu sau khi Hiệp định được ký kết.

Theo ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khi Hiệp định được ký kết, lượng hàng hóa trao đổi giữa hai bên sẽ được tăng lên với lý do hầu hết hàng hóa giữa hai bên, đặc biệt là hàng nông sản, thuế giảm xuống bằng 0% và nhiều thuế giảm xuống rất thấp.

Những thách thức khó khăn không chỉ riêng với VKFTA và sau này còn hàng loạt các hiệp định khác nữa. Với thuế xuất giảm bằng 0% như vậy, các nước đều nghĩ đến việc nâng cao rào cản phi thuế quan, cũng như rào cản kỹ thuật.

Về góc độ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hay Cục Bảo vệ thực vật, đối với hàng hóa nông sản, hai vấn đề thách thức rất là rào cản về bảo vệ thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu thường vấp phải rào cản này.

Thường các nước nhập khẩu sẽ đưa ra các rào cản, thông số kỹ thuật rất ngặt nghèo, như các mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất thấp. Đây là một trong những vấn đề cần phải quan tâm để có cách thức tổ chức sản xuất để làm sao loại bỏ những thách thức này ngay từ đầu. Hay đối với vấn đề về kiểm dịch sẽ ngày càng bắt áp dụng một loạt các biện pháp xử lý trước khi cho phép xuất khẩu đối với một mặt hàng cụ thể.

Đây sẽ là một trong những thách thức rất lớn như trái cây dù chúng ta rất có tiềm năng nhưng lại không có lợi thế vì Việt Nam vẫn vấp phải các rào cản trên.

Khi mở cửa, các bộ, ngành phải đẩy mạnh phổ biến tuyên truyền cho các doanh nghiệp biết để doanh nghiêp chủ động hơn với đối tác. Đây là nhiệm vụ của cả Bộ Công Thương, các Tham tán thương mại của Việt Nam đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trong công tác xúc tiến thương mại, bởi lâu nay việc quảng bá sản phẩm của Việt Nam vẫn còn kém.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng thủy sản là một trong những ngành đi đầu trong vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế. Với thị trường Hàn Quốc có 3 sản phẩm thủy sản rất quan trọng là tôm, nhuyễn thể (mực và bạch tuộc), surimi và đây là thị trường lớn đối với sản phẩm tôm Việt Nam.

Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 662 triệu USD, trong đó tôm 317 triệu USD. Với mức thuế giảm xuống rất lớn sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam có lợi thế về tôm. Tuy nhiên, FTA vẫn đưa ra hạn ngạch 10.000 tấn tôm xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc. Khi có hạn ngạch sẽ có đấu thầu và có những thủ tục kèm theo và việc triển khai thủ tục cần sự phối hợp rất chặt giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp hai nước.

Khi hội nhập, đáp ứng yêu cầu người mua là chuyện quan trọng nhất, trong đó có những điều kiện cơ bản về an toàn vệ sinh thực phẩm. Quan trọng hơn là việc phải phát triển bền vững của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Các tiêu chí phát triển bền vững như Global GAP, BAP, ASC,… đã quen thuộc với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.

Ông Phạm Quang Thịnh, Phó Trưởng Ban Quan hệ Quốc tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định Chính phủ hai nước đã chính thức ký kết VKFTA với vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường và mở rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác song phương; đồng thời nâng cao hiệu quả khuôn khổ pháp lý và thực thi chính sách thương mại, cải thiện tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư ở Việt Nam ngày càng trở nên minh bạch, thúc đẩy năng lực cạnh tranh không chỉ của cộng đồng doanh nghiệp mà còn của cả nền kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc.

Hiện nay, Hàn Quốc hiện là nước dẫn đầu về đầu tư tại Việt Nam với 4.140 dự án; tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới 37,43 tỷ USD, với hàng loạt dự án của các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc như LG, Samsung, Huyndai, Lotte…

Từ năm 1992-2014, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam-Hàn Quốc xấp xỉ đạt 29 tỷ USD; trong đó, Việt Nam nhập khẩu 21,7 tỷ USD và xuất khẩu sang Hàn Quốc trên 7 tỷ USD. Hai nước cùng đặt mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch thương mại hai chiều lên 30 tỷ USD vào năm 2015 và với nỗ lực của hai bên, mục tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được, thậm chí là vượt mục tiêu đề ra.

Cơ hội và tiềm năng hợp tác nhiều, song đi cùng với nó cũng sẽ đặt ra rất nhiều thách thức. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm và mong muốn thâm nhập vào thị trường Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại bán lẻ, đầu tư xây dựng, cung cấp trang thiết bị và nguyên nhiên liệu cho các ngành sản xuất công nghiệp hay thực phẩm…. Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam chưa có nhiều thế mạnh nên chắc chắn sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam sẽ là rất lớn ngay trên sân nhà là thị trường của chính mình.

Trong khi đó, kiến thức và hiểu biết của các doanh nghiệp Việt Nam về hội nhập kinh tế, về những quy ước của Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc nói riêng và với cộng đồng quốc tế nói chung còn rất hạn chế. Chưa có nhiều doanh nghiệp nắm vững luật và hiểu đâu là cơ hội thuận lợi, đâu là hạn chế khi Việt Nam tham gia vào sân chơi hội nhập kinh tế toàn cầu. Điều này sẽ hạn chế phạm vi hoạt động, gây ra những thiệt thòi và làm giảm năng lực cạnh tranh không chỉ của doanh nghiệp mà còn cả nền kinh tế.

Những hạn chế trong nhận thức của doanh nghiệp về hội nhập, về các quy định, quy ước giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế trong hoạt động trao đổi thương mại… là vấn đề đáng quan tâm. Thực tế, các bộ ngành liên quan chưa có nhiều hoạt động hỗ trợ giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin, phổ cập kiến thức và nâng cao nhận thức về vấn đề này.

Những sự kiện, hội thảo nhằm quảng bá, giới thiệu về các cơ hội, thách thức đặt ra khi Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế trong khu vực và trên thế giới còn được tổ chức cũng còn hạn chế.

Theo Vietnamplus.vn