Các mặt hàng truyền thống có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như nông sản, thủy sản, da giày… sẽ tiếp tục được xúc tiến vào nhiều thị trường như Kazakhstan, Algeria, Bồ Đào Nha và Bulgaria
Ngày 29-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu Đoàn Đại biểu Cấp cao Chính phủ Việt Nam tới Kazakhstan tham dự lễ ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu, đồng thời thăm chính thức các nước Cộng hòa Algeria Dân chủ và Nhân dân, Cộng hòa Bồ Đào Nha và Cộng hòa Bulgaria theo lời mời của thủ tướng các nước.
Nhiều dư địa để phát triển
FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu được đánh giá sẽ tạo khuôn khổ pháp lý thông thoáng và ổn định để phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các nước thành viên của liên minh, từ đó tăng cường quan hệ song phương và trao đổi các biện pháp nhằm triển khai cụ thể hiệp định. Trong đó, giao thương về thương mại giữa Việt Nam và các thị trường này được đặc biệt quan tâm bởi kim ngạch còn khiêm tốn và có nhiều dư địa để phát triển.
Bồ Đào Nha hiện có kim ngạch thương mại 2 chiều với Việt Nam không nổi bật nhưng tăng trưởng đều qua các năm và đạt tới 364 triệu USD trong năm 2014. Còn Algeria tuy là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Phi nhưng cũng chỉ đạt kim ngạch 248,9 triệu USD theo số liệu của Bộ Công Thương. Ở chiều ngược lại, hầu như nhập khẩu của Việt Nam từ nước này không đáng kể. Kazakhstan và Bulgaria cũng có quan hệ thương mại với Việt Nam ở mức còn hạn chế khi tổng kim ngạch năm 2014 chỉ đạt lần lượt 240 triệu USD và 88 triệu USD.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên viên Bộ Công Thương, đây đều là những thị trường có thể “hấp thụ” được những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. Cụ thể, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Bồ Đào Nha gồm cà phê, thủy sản, đồ gỗ và giày dép. Algeria nhập về cà phê, gạo, điện thoại các loại và linh kiện… Kazakhstan tiếp nhận của Việt Nam điện thoại các loại và linh kiện, thủy sản, rau quả, máy vi tính, sản phẩm linh kiện và điện tử, hạt điều, hạt tiêu, sản phẩm dệt may… Việt Nam xuất sang Bulgaria các mặt hàng truyền thống như dệt may, da giày, cà phê, hạt tiêu, thuốc lá, than đá, thủy sản...
Thị trường không “cao giá”
Theo TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại, các thị trường này tương đối dễ tính, không đòi hỏi chất lượng khắt khe nhưng Việt Nam lại chưa tận dụng được do bị gián đoạn quan hệ sau sự kiện Liên Xô (cũ) tan rã. Hiện nay, quan hệ thương mại song phương đã được nối lại nhưng chưa mạnh mẽ, tập trung ở một số ít doanh nghiệp. “Việt Nam ký FTA với Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan cũng tạo môi trường pháp lý đưa hàng hóa quay lại thị trường này. Đây sẽ là tín hiệu vui nếu hai bên thỏa thuận được nhiều ưu đãi cho đầu tư, du lịch, các nước cần tận dụng cơ hội để đưa hàng hóa sang. Hệ thống tham tán thương mại ở đây đã có sẵn, doanh nghiệp Việt nên thông qua Bộ Công Thương để tìm hiểu nhu cầu từng vùng” - TS Phạm Tất Thắng lưu ý.
Theo ông Thắng, tuy các thị trường này không “cao giá” như Nhật Bản, Hàn Quốc hay không được kỳ vọng lớn như Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng lại có đặc điểm riêng rất phù hợp với nền sản xuất của Việt Nam. “Ví dụ như Nhật, dung lượng thị trường lớn, giá cao nhưng đòi hỏi chất lượng rất khắc nghiệt. Còn ở đây, chúng ta có thể tận dụng để xuất đi những sản phẩm phù hợp, chất lượng tương đối, miễn là không quá kém phẩm chất và thỏa thuận được giá cả có lợi” - ông Thắng nói. Ngoài ra, du lịch và xuất khẩu lao động cũng có nhiều cơ hội để mở rộng hơn với thị trường giàu tiềm năng này.
Đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài
Thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết Bồ Đào Nha chưa có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và Việt Nam cũng chưa có dự án đầu tư vào nước này. Với Algeria, chúng ta mới có Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đang triển khai dự án thăm dò dầu và dự kiến sẽ khai thác thương mại vào tháng 6-2015. Hợp tác với Kazakhstan trong lĩnh vực năng lượng dầu khí đã được khai thông với việc ký kết một số thỏa thuận giữa PetroVietnam và Công ty Dầu khí quốc gia Kazakhstan. Ngoài ra, hai bên cũng đang trao đổi về khả năng tham gia các dự án ở nước thứ 3. Riêng với Bulgaria, Việt Nam chưa có đầu tư do luật liên doanh của nước này với doanh nghiệp nước ngoài còn nhiều hạn chế, chỉ cho phép người Bulgaria đứng chủ sở hữu và doanh nghiệp nước ngoài chiếm 10% trong liên doanh.
TS Phạm Tất Thắng cho rằng đây là những thị trường đang cần đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trong khi hiện nay, năng lực kinh doanh, tài chính... của một số doanh nghiệp Việt Nam đã đủ sức để đầu tư sang các thị trường này. Do vậy, nếu tận dụng được cơ hội thì doanh nghiệp Việt rất có lợi khi mở rộng được địa bàn trực tiếp đầu tư.
Phương Nhung - Dương Ngọc
Nguồn: Báo Người Lao Động