gia tri12312slide3hoaslide6daoslide8sen
sologun

SCG (Thái Lan) thâu tóm công ty Batico

Hôm nay 29-7, Tập đoàn SCG (Thái Lan) công bố đã mua 80% cổ phần của Công ty bao bì nhựa Batico của Việt Nam sau khi đã thâu tóm nhiều doanh nghiệp khác tại Việt Nam trước đó.

Cụ thể, theo thông cáo báo chí của SCG, Công ty bao bì nhựa TC - công ty thành viên của tập đoàn SCG - đã mua lại 80% cổ phần của Công ty cổ phần Bao bì Tín Thành (Batico).

Với động thái mua lại phần lớn cổ phần của Batico, SCG cho biết công ty đang tích cực mở rộng sản xuất ngành bao bì và củng cố thêm vị trí hàng đầu trong việc cung cấp bao bì tại thị trường Đông Nam Á.

Giá trị thương vụ cũng như thông tin về sản xuất của Batico không được tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Thái Lan này công bố. Tuy nhiên những người trong ngành cho rằng Batico là doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa mềm phức hợp lớn tại Việt Nam với thâm niên khoảng 20 năm hoạt động.

Tín Thành hiện có nhà máy sản xuất trên khuôn viên đất 18.500m2 được xây dựng theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Theo trang web của công ty này, với dây chuyền in và sản xuất bao bì phụ trợ từ Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc, Batico có các khách hàng lớn là các tập đoàn đa quốc gia như Nestle, Bayer, Henkel, Dupont, CP, Walmart và những đối tác trong nước như Kinh Đô, Trung Nguyên, Gấu Đỏ, Vifon, Vinamit... Kế hoạch nhà máy 2 của doanh nghiệp này cũng đang được hình thành với quy mô lớn hơn, lên đến 55.000m2.

Đây cũng là doanh nghiệp vừa đoạt "Giải thưởng bao bì Châu Á 2014" tổ chức hàng năm lần thứ 13 tại Kuala Lumpur, Malaysia.

Batico là cái tên tiếp theo trong số hàng loạt doanh nghiệp trong nước mà trước đó SCG đã thâu tóm, trong đó nổi bật là thương vụ mua 85% cổ phần của nhà sản xuất vật liệu xây dựng trong nước - Công ty cổ phần Prime Group - với giá trị khoảng 240 triệu đô la Mỹ, đưa SCG trở thành đơn vị sản xuất gạch men lớn nhất thế giới.

Trước đó, ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn SCG, cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, trong đó tập trung mua lại các công ty trong nước. Theo vị lãnh đạo tập đoàn này, chính sách ưu tiên mở rộng đầu tư hiện nay của SCG là mua lại những công ty, doanh nghiệp trong nước nhằm nhanh chóng tham gia thị trường. Trường hợp không tìm kiếm được những doanh nghiệp, công ty có dự án tốt, SCG mới tự đầu tư dự án ở Việt Nam.

Do đó khả năng vẫn còn các công ty trong nước khác nằm trong tầm ngắm của SCG. Mới đây, tập đoàn này cũng cho biết Công ty TNHH Giấy Kraft Vina, một công ty con của tập đoàn SCG tại Việt Nam, sẽ chi khoảng 126 triệu đô la Mỹ, để tăng gấp đôi năng lực sản xuất của nhà máy của công ty đặt ở Bình Dương.

Theo báo cáo Quí 2 năm 2015 do tập đoàn này công bố, SCG tại Việt Nam hiện có tổng giá trị tài sản là 15.111 tỉ đồng (tương đương 716 triệu đô la Mỹ), tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. SCG tại Việt Nam báo cáo doanh thu từ hoạt động bán hàng quí 2 năm 2015 đạt 3.481 tỉ đồng (157 triệu đô la Mỹ), tăng ổn định so với năm trước.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2015, SCG tại Việt Nam đạt doanh thu từ hoạt động bán hàng là 6.337 tỉ đồng (tương đương 288 triệu đô la Mỹ), tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù mức tăng này của SCG ở Việt Nam không cao, nhưng so với kết quả kinh doanh của tập đoàn thì đây là mức khá tốt. Kết quả kinh doanh của quí 2 năm 2015 (chưa kiểm toán) của Tập đoàn SCG cho thấy doanh thu từ hoạt động bán hàng đạt 75.879 tỉ đồng (3,421 tỉ đô la Mỹ), giảm 9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4% so với quí trước.

SCG hoạt động đa ngành, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là xi măng - vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì với hơn 200 công ty con cùng hơn 51.000 nhân viên. Tính tới ngày 30-6-2015, tổng tài sản của SCG đạt 14,83 tỉ đô la Mỹ, trong đó tổng tài sản của SCG tại khu vực Đông Nam Á (trừ Thái Lan) đạt khoảng 2,84 tỉ đô la Mỹ, chiếm 19% tổng giá trị tài sản hợp nhất của SCG.

Bắt đầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam từ năm 1992, hiện tại SCG có 22 công ty đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam với hơn 6.500 nhân viên.

Nguồn: TBKTSG Online